Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội nhất trí về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 20/10/2021, tiếp tục Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 và Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024.

Trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2022 và Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTC-NS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Mặc dù tổng số thu cân đối NSNN năm 2021 ước vượt dự toán, nhưng nhiều khoản thu quan trọng không đạt được hoặc thấp hơn nhiều so với dự toán. Thu NSTW dự kiến giảm khoảng 28.000-29.000 tỉ; thu từ bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Trung ương chỉ đạt 2,5% dự toán, vì vậy cơ cấu chưa vững chắc. UBTC-NS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.
 
UBTC-NS yêu cầu Chính phủ cần đánh giá toàn diện các chính sách đã được thực hiện trong chi cho phòng, chống Covid-19; cần báo cáo cụ thể về số vaccine được viện trợ, hỗ trợ, dự kiến nhu cầu vaccine nếu dịch kéo dài, công khai Quỹ vaccine và đẩy nhanh tiến độ, nghiên cứu vaccine trong nước. UBTC-NS đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện nghị quyết 30/2021 của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. “Ủy ban đề nghị phải làm rõ tổng nguồn lực, kết quả sử dụng NSNN khi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống COVID-19 và khả năng đáp ứng tình hình hiện nay” - Chủ nhiệm UBTC-NS Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để xử lý kịp thời các vấn đề cấp bách trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, UBTC-NS đề nghị Chính phủ triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động do dịch COVID-19. Rà soát, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, thực hiện công khai, minh bạch trong việc cấp phát tiền hỗ trợ tại địa phương, đảm bảo người dân được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, thuận tiện. Bên cạnh đo, Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch nhằm tăng cường chế độ, bảo đảm sức khỏe, động viên hơn nữa cho lực lượng này. Trong đó, lưu ý điều chỉnh các chính sách hỗ trợ hợp lý cho đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên để kịp thời động viên, khuyến khích những người tham gia lực lượng y tế chống dịch COVID-19.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 và Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024
 
UBTC-NS nhất trí về đề xuất bội chi NSNN mà Chính phủ trình và đề nghị nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Phương án phân bổ NSTW được UBTC-NS lưu ý về cơ cấu, cắt giảm chi thường xuyên, chi đầu tư hợp lý, chú trọng vào các dự án trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, do còn nhiều nhiệm vụ chi phòng chống dịch dự kiến phát sinh lớn, tác động đến cân đối thu, chi NSNN, đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo đảm cân đối NSNN, đồng thời trong những tháng cuối năm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình, có phương án chủ động bố trí nguồn khi phát sinh nhiệm vụ.

Đánh giá về gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, UBTC-NS đánh giá, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết. Do đó cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động.

Báo cáo thẩm tra của UBTC-NS nhất trí về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022, trong đó có khoảng 10.000 tỉ chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế để phòng, chống dịch và dự kiến cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để phòng, chống dịch; Cho vượt chi thường xuyên so với dự toán là 2,2%, đồng; phương án bội chi, nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. UBTC-NS lưu ý Chính phủ cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Đối với dự toán NSNN năm 2022, UBTC-NS đề nghị Chính phủ cần có nhiều giải pháp để cân đối ngân sách vững chắc, đồng thời siết chi ngân sách, cơ cấu, cắt giảm chi thường xuyên đối với những khoản, nhiệm vụ không cần thiết. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên chi trả nợ lãi theo đúng hạn cam kết để bảo đảm hệ số tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế…

UBTC-NS cũng nhất trí với các kiến nghị của Chính phủ về điều hành NSNN 2021, dự toán NSNN 2022. Đối với kế hoạch tài chính – NSNN ba năm 2022-2024, UBTC-NS đánh giá, kế hoạch này dựa trên kịch bản tăng trưởng khá cao, nên nghiên cứu điều chỉnh lại./.
 
Khánh Vy