Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2020

(sav.gov.vn)- Chiều 27/10/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận theo hình thức trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung về BHXH để thảo luận toàn thể tại hội trường, khẳng định tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội- một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Các ý kiến cũng đều đánh giá cao công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Chính phủ, các Bộ liên quan và ngành BHXH Việt Nam thời gian qua. Các kết quả đạt được đã góp phần khẳng định tính nhân văn, ưu việt của các chính sách, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh thời gian qua.
 
Theo báo cáo tóm tắt thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tổng số tiền nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng so với năm 2019; nợ lãi chậm đóng là 3.016 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng số nợ. Phân tích về việc nợ gốc đóng BHXH, một số ý kiến cho rằng, thời gian qua do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc trích quỹ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động giảm. Vì vậy cần phân tích các nguyên nhân để đưa ra giải pháp cụ thể, đồng bộ trong phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
 
Đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cho rằng, cơ bản các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được ban hành và bảo đảm để triển khai, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, vẫn còn một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống như: Chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung; chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều vướng mắc bất cập nên mặc dù tồn quỹ lớn nhưng một bộ phận người lao động thuộc đối tượng chưa được hưởng chế độ chính sách kịp thời và tương xứng với mức độ ảnh hưởng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng vẫn chậm được đề xuất sửa đổi, bổ sung.
 
Thảo luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là việc chế độ được hưởng còn thấp, chỉ dừng lại ở hưu trí và tử tuất. Do đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi những bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan để khuyến khích người dân tham gia; Tăng cường truyền thông đối với công tác này…
 
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH. Qua phân tích số người hưởng BHXH một lần, đa số là người lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc cần tích lũy thời gian đóng BHXH để đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ, nên khi nghỉ việc họ sẽ nghĩ ngay đến việc hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt. Các ý kiến cho rằng, thực trạng sẽ tác động đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì thế, cơ quan chức năng xem xét có thể áp dụng linh hoạt thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và được hưởng quyền lợi của mình; cần có quy định cụ thể hơn mang tính ràng buộc nhằm hạn chế tình trạng người tham gia bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...
 
Qua việc phân tích những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội việc sửa đổi hoặc sửa đổi bổ sung Luật BHXH và một số Luật có liên quan nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội (như dịch bệnh COVID-19, già hóa dân số) và tình trạng cân đối Quỹ BHTN, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp phù hợp hơn với tính chất của quỹ ngắn hạn; chú ý việc tổng kết đánh giá cụ thể các nội dung  và xu hướng của các Quỹ theo các chế độ tương ứng để làm cơ sở thực tiễn, bằng chứng khoa học trong việc đề xuất các chính sách khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có liên quan.
 
Đại biểu Nguyễn Trường Giang phát biểu từ điểm cầu phòng họp Diên Hồng
 
Thảo luận về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020, các đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách dành cho đầu tư y tế cơ sở, đặc biệt là các trung tâm y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.  
 
Một số ý kiến kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian được hưởng hỗ trợ BHYT đối với vùng dân tộc thiểu số, các xã miền núi, các xã vừa hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đối tượng người nghèo vẫn còn nhiều nên không thể tự bỏ tiền mua bảo hiểm y tế và điều này sẽ tác động đến việc thực hiện tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân. Đồng thời, khi xây dựng chính sách BHYT cần quy định theo đối tượng hưởng, chứ không nên theo vùng hay khu vực vì sẽ thiệt thòi cho người nghèo.
 
Qua thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra, mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng nhưng chưa bền vững, do các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đồng đều, nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng hoặc hỗ trợ mức đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao; số đối tượng ở nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng giảm do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời do đồng bào còn có tục lệ tảo hôn, bố mẹ trẻ chưa được cấp chứng minh thư/căn cước công dân, không có giấy đăng ký kết hôn và không có Giấy chứng sinh do trẻ sinh tại nhà. Về đối tượng là người cao tuổi, một số ý kiến cho rằng, việc thụ hưởng các chính sách chăm sóc y tế vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và chưa thật sự đồng đều, nhất là người cao tuổi ở các vùng sâu, vùng xa…
 
Trước thực trạng trên, các đại biểu để nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung các chính sách tăng cường đồng bộ các giải pháp nâng mức hỗ trợ tham gia BHYT đối với người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có điều kiện khó khăn, người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số; đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế lão khoa chuyên sâu tại các địa phương… góp phần đảm bảo mọi người cao tuổi đều có thể tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện được mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế hoàn dân. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nghiên cứu phương án nâng mức đóng BHYT phù hợp với khả năng chi trả của người dân và NSNN; nâng mức hỗ trợ đóng cho một số đối tượng để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu từng bước chuyển chi hỗ trợ của NSNN cho cơ sở khám chữa bệnh sang chi hỗ trợ cho người dân thông qua BHYT… Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trong đó quan tâm đến việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh mắc COVID-19; có giải pháp đột phá để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT.
 
Các đại biểu cũng để nghị, các Bộ, ngành hữu quan và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; có giải pháp để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, gần nhất với chất lượng tốt nhất; tiếp tục quán triệt việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp và chất lượng dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng, nhất là những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu một số vấn đề Đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Chính phủ cùng với các Bộ, các ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ vấn đề thông tin, truyền thông về lợi ích của BHYT, mở rộng các dịch vụ của BHYT, vấn đề nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của BHYT cũng như các vấn đề mở rộng các điểm thu của BHYT. Cho đến thời điểm năm 2020 đã đạt được 90,85% dân số tham gia BHYT. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có một số các vấn đề, cần phải hết sức quan tâm tới đây như: Làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt đảm bảo tính bền vững của bảo hiểm y tế, là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như là hệ thống bảo hiểm xã hội.
 
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vự như: Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; Đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; Đảm bảo những đổi mới về cơ chế tài chính… để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề về đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, về nhân lực, về trang thiết bị cũng như là vấn đề về việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa những đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua, như là Đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Để đảm bảo cân đối nguồn Quỹ BHYT, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Luật BHYT, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của BHYT…
 
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trí tuệ của các vị ĐBQH, Bộ trưởng tin tưởng rằng sau kỳ họp này, sẽ có những bước phát triển mới về nhận thức, trách nhiệm và hành động trong triển khai và phát triển các chính sách BHXH.
 
Bộ trưởng cho biết, thời gian tới tiếp thu ý kiến đại biểu, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật việc làm, thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm; tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như đại biểu Quốc hội đã nêu: Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; sửa đổi giảm thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 10 năm và tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; tiến tới phát triển bền vững; điều chỉnh hưởng chính sách 1 lần; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn bền vững và hiệu quả…
 
Bộ trưởng cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ trên, trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội sẽ tập trung đổi mới, tuyên truyền để người lao động khi bước thị trường lao động hiểu và đồng tình tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động như kinh nghiệm các quốc gia phát triển đã thực hiện. Bên cạnh đó, sử dụng các Quỹ ngắn hạn đúng mục đích; tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu điều chỉnh phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tăng cường vai trò, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới khâu tổ chức thực hiện…
 
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 23 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến. Các ý kiến phát biểu có trọng tâm, sâu sắc, phản ánh nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra cần giải quyết trên tinh thần xây dựng đặc biệt là đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong báo cáo và ý kiến tại phiên thảo luận; cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp cùng các bộ liên quan để hoàn thành Báo cáo đảm bảo chất lượng cao./.
 
Ngọc Bích