Thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu hướng tới các cơ sở dữ liệu (CSDL) được liên kết, chia sẻ, hình thành các kho dữ liệu số của KTNN đã và đang được tập trung thực hiện. Tại Tọa đàm trực tuyến “Dữ liệu lớn trong kiểm toán công” do KTNN Việt Nam phối hợp với KTNN Trung Quốc tổ chức mới đây, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về vấn đề này.
Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán công
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin và sự chuyển đổi số trong hoạt động của các đối tượng kiểm toán công trên thế giới cũng như ở khu vực châu Á, các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đang đối mặt với những thách thức lớn, song cũng là cơ hội để phát triển lĩnh vực kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, số hóa.
Trong bối cảnh chung đó, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định rõ vai trò quan trọng của việc ứng dụng công nghệ hiện đại và ứng dụng CSDL lớn trong kiểm toán công. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các SAI tiên tiến về ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán công, đặc biệt là từ KTNN Trung Quốc - Trưởng Nhóm công tác về Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).
Chia sẻ cụ thể về định hướng phát triển kiểm toán số nói chung và đưa công nghệ vào kiểm toán công nói riêng của KTNN Việt Nam, ông Vũ Dương Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học - cho biết, để thực hiện được mục tiêu chiến lược đến năm 2025 cơ bản hình thành kiểm toán số phù hợp với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam, KTNN Việt Nam đã định hướng xây dựng hạ tầng dữ liệu kiểm toán trên nền tảng dữ liệu lớn nhằm hỗ trợ 2 nhiệm vụ chính của hoạt động kiểm toán là: công tác lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán (giúp kiểm toán viên phân tích, đối chiếu dữ liệu để thực hiện chọn mẫu, xác định rủi ro, trọng yếu kiểm toán và tiến hành kiểm toán chi tiết...).
Theo đó, việc xây dựng hạ tầng dữ liệu hướng tới các CSDL được liên kết, chia sẻ, hình thành các kho dữ liệu số của KTNN và sẽ tập trung vào một số nội dung: Xây dựng hệ thống nền tảng và tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về tài chính, đầu tư, DN và các CSDL chuyên ngành do các Bộ, ngành, địa phương triển khai có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Xây dựng Cổng trao đổi thông tin của KTNN nhằm tạo kênh trao đổi thông tin điện tử đa chiều giữa KTNN với các đơn vị được kiểm toán và tổ chức có liên quan. Xây dựng CSDL, hệ thống thông tin về đơn vị được kiểm toán, CSDL chuyên ngành, CSDL tri thức kiểm toán (gồm các hệ thống văn bản pháp luật, các bộ chỉ tiêu đánh giá đối với từng nội dung, lĩnh vực kiểm toán, quy trình, phương pháp kiểm toán...) theo hướng tập trung, chứa nhiều nguồn dữ liệu ở dạng tự nhiên liên quan đến kiểm toán, phục vụ cho việc ứng dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán. “Trên cơ sở hình thành hạ tầng dữ liệu trên nền tảng các CSDL nêu trên, KTNN sẽ tiếp tục phát triển các công cụ, ứng dụng phần mềm để khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm toán” - ông Vũ Dương Phúc nhấn mạnh.
Mang đến nhiều thay đổi trong quy trình kiểm toán
Tại Tọa đàm, bộ phận chuyên môn của hai cơ quan kiểm toán đã có những chia sẻ, đánh giá về thực trạng và những kinh nghiệm trong việc sử dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán. Hai bên đều thống nhất nhận định, sự ra đời của Nhóm công tác về Dữ liệu lớn của INTOSAI đã giúp ích rất lớn cho các SAI trong việc nâng cao năng lực kiểm toán với dữ liệu lớn.
Bày tỏ sự ấn tượng với định hướng phát triển của KTNN Việt Nam khi coi công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng, quyết định hoạt động và sự phát triển của cơ quan kiểm toán trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Phó Tổng KTNN Trung Quốc Tần Bác Dũng cho biết, trên vai trò Trưởng Nhóm công tác về Dữ liệu lớn của INTOSAI, KTNN Trung Quốc đã và đang chia sẻ, trao đổi về việc ứng dụng dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán với nhiều SAI; đồng thời thông qua việc trao đổi sẽ giúp ích cho hoạt động của KTNN Trung Quốc rất nhiều, vì mục tiêu chung là nâng cao năng lực công tác, hướng đến thực hiện sứ mệnh của mỗi SAI.
Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán lĩnh vực tài chính công của KTNN Trung Quốc dựa trên dữ liệu lớn, ông Từ Quyền - Trưởng phòng, Vụ Kiểm toán hệ thống tài chính, KTNN Trung Quốc - cho biết, kiểm toán viên cần phải làm rõ tiến trình phát triển thông tin hóa kiểm toán ngân hàng thương mại, bắt đầu từ mô phỏng thủ công, ứng dụng mạng, hình thành hệ thống. Tương ứng với đó là sự phát triển đến ứng dụng và nhân rộng máy tính, phân tích dữ liệu. Tiến trình hình thành bình diện dữ liệu kiểm toán tài chính có thể trải qua 4 giai đoạn với từng phương pháp kỹ thuật phù hợp được áp dụng cho từng giai đoạn và đều có điểm chung cuối cùng là phải làm sáng tỏ đối tượng kiểm toán.
Về quá trình thu thập dữ liệu, ông Từ Quyền cho rằng, các kiểm toán viên cần phải đi từng bước và cơ bản gồm có 5 giai đoạn: điều tra hệ thống; đưa ra yêu cầu; thu thập, chuyển đổi dữ liệu; kiểm chứng dữ liệu và cuối cùng là lưu trữ dữ liệu. “Việc thu thập các dữ liệu về tài chính, về hoạt động và quản lý... được thực hiện từ nhiều đơn vị được kiểm toán và từ nguồn dữ liệu mở trên mạng internet” - ông Từ Quyền lưu ý, đồng thời cho rằng, những nguồn dữ liệu này có thể giúp nhìn nhận tình huống thực tế tốt hơn.
Trong quá trình thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu cũng như khi tìm kiếm, phân tích dữ liệu phải sử dụng hàng loạt kỹ thuật và phương pháp mới. Kiểm toán viên có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp tiếp cận như: thu thập dữ liệu, kiểm toán từ xa, kiểm toán mạng lưới...
Như vậy, có thể thấy rằng, kiểm toán dữ liệu lớn không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số. Ngoài ra, các tổ chức kiểm toán quốc tế, đứng đầu là Big Four cũng đang tích cực đầu tư vào công nghệ 4.0, thậm chí coi việc đưa Big Data và AI vào hỗ trợ các hoạt động kiểm toán như giải pháp chính trong thời kỳ chuyển đổi số./.
N.Lộc – T.Thiện
(Báo Kiểm toán số 43/2021)