Kiểm toán nhà nước nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương"
(sav.gov.vn) - Sáng 16/12/2021, Tại trụ sở Kiểm toán nhà nước - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" do ThS. Phạm Thành Ngọc và ThS. Đặng Hoàng Đạt đồng chủ nhiệm. TS Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành II làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ “cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán” nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. Chất lượng kiểm toán trở thành mục tiêu và yêu cầu đối với hoạt động nghề nghiệp kiểm toán, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế, uy tín của KTNN.
Thời gian qua, cùng với việc nâng cao năng lực, hiệu quả và chất lượng kiểm toán, việc tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương đã chú trọng kiểm toán chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng khâu trong quản lý, điều hành ngân sách và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả kiểm toán lĩnh vực thu ngân sách tại cơ quan Thuế có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN). Qua kết quả hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách văn bản quản lý thu ngân sách, khắc phục những hạn chế, sai phạm và kiến nghị tăng thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, phí cho NSNN.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, nội dung kiểm toán thu ngân sách địa phương vẫn chủ yếu là kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính. Riêng nội dung kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng NSNN mới được triển khai thực hiện và được đan xen trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoặc một số cuộc kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính. Việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán lĩnh vực thu ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa thực sự góp phần ngăn chặn những hạn chế, yếu kém trong quản lý thu NSNN để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng kinh tế xã hội.
Vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” có ý nghĩa thiết thực về mặt lý luận và thực tiễn.
Đề tài được nghiên cứu thực hiện với mục tiêu trên cơ sở lý luận và thực tiễn kiểm toán hoạt động, đề xuất các giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán của KTNN. Đề tài tập trung nghiên cứu tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Cục Thuế do các KTNN khu vực thực hiện.
Ngoài mở đầu và kết luận, nội dung của Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Cơ sở lý luận về tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh; Chương II: Thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh do các KTNN khu vực thực hiện thời gian qua; Chương III: Giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa ngân sách cấp tỉnh.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung, kết cấu, lý luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu, giúp Ban đề tài chỉnh sửa để nâng cao chất lượng của Đề tài. Các ý kiến cho rằng, Đề tài cơ bản đã làm rõ cơ sở lý luận và đánh giá rõ thực trạng về tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện Tổ chức kiểm toán hoạt động thu nội địa Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, TS Lê Đình Thăng lưu ý Ban Đề tài cần nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện thực hiện giải pháp; biên tập lại một số nội dung trong phần thực trạng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài; tiếp tục thu thập, phân tích kỹ hơn các dữ liệu thông tin sao cho phù hợp với giáo trình của KTNN; các số liệu cần được trích dẫn từ một báo cáo kiểm toán cụ thể. Qua đó, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động đảm bảo tính bền vững của nguồn thu. Đồng thời, nêu bật được chủ đề kiểm toán và đưa ra các tiêu chí đánh giá về một cuộc kiểm toán hoạt động.
Đề tài được Hội đồng xếp loại: Khá; đạt 78 điểm./.
Đinh Trang
