Báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm 2021, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib Thái Thị Lan cho biết, năm 2021 tập thể lãnh đạo, công chức CNIb đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương công chức, công vụ, tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, giữ gìn hình ảnh và uy tín của KTNN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của đơn vị, nhất là trong hoạt động kiểm toán; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán và phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Báo cáo nêu rõ, năm 2021, hoạt động kiểm toán của KTNN CNIb bị tác động lớn bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, do các đơn vị được kiểm toán của CNIb phần lớn là đơn vị lãnh đạo hoặc tuyến đầu thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, một số địa bàn có diễn biến dịch phức tạp. Chấp hành chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc phòng, chống dịch theo tinh thần ưu tiên tối đa cho các đơn vị phòng chống dịch và an toàn sức khỏe của Kiểm toán viên, căn cứ tình hình thực tế KTNN CNIb đã trình và được Lãnh đạo KTNN phê duyệt điều chỉnh giảm kiểm toán năm 2021 đối với 10 tỉnh, thành ủy, 04 công an tỉnh; đề xuất điều chỉnh giảm và chuyển sang KHKT năm 2022 đối với một số cuộc kiểm toán tại Công an Thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tại Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Tổng hợp đến ngày 04/12/2021, KTNN CNIb đã kiểm toán theo kế hoạch được Lãnh đạo KTNN phê duyệt và hoàn thành việc phát hành 14 Báo cáo kiểm toán (BCKT); 02 cuộc kiểm toán mới kết thúc vào ngày 30/11/2021 và dự thảo BCKT đã được Lãnh đạo KTNN xét duyệt, đơn vị phấn đấu phát hành trước 31/12/2021. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính năm 2021 đạt 637 tỷ đồng, trong đó tăng thu 17 tỷ đồng, giảm chi NSNN 132 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 488 tỷ đồng. Các BCKT có nhiều kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, công tác quản lý mua sắm; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi 21 văn bản
.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib Thái Thị Lan trình bày báo cáo tổng kết
Qua kết quả tổng hợp cho thấy, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị của KTNN CNIb tại các BCKT. Tính đến thời điểm báo cáo, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị đạt 74%
. Phần lớn các kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, đầu tư xây dựng đã được các đơn vị thực hiện. Riêng kiến nghị giảm chi đầu tư XDCB thực hiện đạt 75%, do nhiều dự án được kiểm toán đang đầu tư hoặc đang trong quá trình lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nên chưa thực hiện được. Mặt khác, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số đơn vị chưa tổ chức thực hiện dứt điểm được các kiến nghị của KTNN. KTNN CNIb cũng đã thực hiện đối chiếu với Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước số liệu thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2020 đối với niên độ ngân sách năm 2019 và các năm trước.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, KTNN CNIb đã nghiêm túc tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT của KTNN theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đơn vị đã bố trí cho các cán bộ công chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến tại nhà trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo quy định. KTNN CNIb tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin khảo sát nhằm hạn chế việc trực tiếp đến khảo sát tại đơn vị được kiểm toán; phối hợp với Trung tâm tin học triển khai áp dụng chữ ký số trên phần mềm Quản lý văn bản điều hành và thiết bị di động đối với lãnh đạo và văn thư của đơn vị, và thực hiện áp dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử toàn Ngành; triển khai cập nhật dữ liệu kiểm toán từ năm 2015 đến nay.
Công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học cũng được đơn vị rất quan tâm. Các công chức được cử tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do KTNN tổ chức 100% hoàn thành và đạt kết quả tốt; 09 công chức dự thi nâng ngạch từ Kiểm toán viên lên ngạch Kiểm toán viên chính đều đã được xét nâng ngạch Kiểm toán viên chính. Năm 2021, có 08 công chức của đơn vị thực hiện 06 đề tài khoa học cấp Bộ thuộc nhiệm vụ năm 2020, 2021. Các đề tài khoa học đã gắn với thực tiễn hoạt động kiểm toán của Ngành, khi nghiệm thu hoàn thành sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, công tác kiểm toán tại đơn vị nói riêng và KTNN nói chung.
Về chương trình công tác năm 2022, KTNN CNIb xác định rõ, toàn bộ công chức, người lao động thực hiện chấp hành nghiêm túc các quy định của KTNN và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động công vụ, nâng cao văn hóa ứng xử và Chuẩn mực đạo đức của Kiểm toán viên nhà nước, bám sát mục tiêu chung của Ngành để: Hoàn thành tốt các cuộc kiểm toán năm 2022 đảm bảo chất lượng; xây dựng kế hoạch trình duyệt để tổ chức thực hiện kiểm tra thực hiện kiến nghị của KTNN đối với các đơn vị được kiểm toán năm 2021 và các năm trước chưa thực hiện, chủ động rà soát, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện dứt điểm các kiến nghị kiểm toán và tổng hợp lập báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định của KTNN; xây dựng KHKT năm 2023 và trung hạn 2023-2025 đảm bảo kịp thời và đạt chất lượng theo hướng dẫn của KTNN; chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của Bộ, cơ quan Trung ương thuộc phạm vi kiểm toán được giao…
KTNN CNIb đưa ra một số giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ năm 2022: Kịp thời và quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho các công chức; tiếp tục đổi mới trong công tác khảo sát và lập KHKT theo hướng xây dựng chi tiết hơn hệ thống dữ liệu các đơn vị được kiểm toán, chú trọng chất lượng chi tiết đề cương khảo sát...; tổ chức thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn; tiếp tục cải tiến việc phân giao nhiệm vụ cho Kiểm toán viên thực hiện nhiệm vụ lập KHKT tổng quát, lập dự thảo BCKT nhằm đảm bảo nhanh, gọn, chính xác và trách nhiệm; yêu cầu đội ngũ công chức chuyên nghiệp hơn trong việc thực hiện kiểm toán dựa trên việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán...; tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán và các hoạt động công vụ khác của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Trưởng phòng, Tổ trưởng, Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán từ khâu chuẩn bị đề cương khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đến kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán bằng các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và gắn kết quả với trách nhiệm của người đứng đầu; chấp hành nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các Chuẩn mực KTNN, quy trình, quy định của KTNN, các Chỉ thị, Chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước và các quy định pháp luật khác trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ công chức, công vụ…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh bày tỏ sự đồng tình với các nội dung cơ bản của báo cáo. “Năm 2021, KTNN CNIb nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh thực hiện tốt chủ trương, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước điều chỉnh kế hoạch kiểm toán vừa đảm bảo hoàn thành Kế hoạch kiểm toán năm 2021 đúng tiến độ, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid -19 của đơn vị được kiểm toán nhất là các đơn vị tuyến đầu chống dịch” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Trong triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý, các đơn vị được kiểm toán của KTNN CNIb trải rộng trên toàn quốc nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán; các đơn vị được kiểm toán có tính chất đặc thù, liên quan trực tiếp đến hệ thống tổ chức và hoạt động các cơ quan của Đảng, nội chính từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tính bảo mật cao nên đơn vị cần chú trọng trong thu thập thông tin, cập nhật dữ liệu tài chính của các đơn vị được kiểm toán, nhất là cần đảm bảo tính bảo mật của thông tin theo quy định của Nhà nước. Đơn vị cũng cần tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt coi trọng đạo đức nghề nghiệp và văn hoá ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước./.
Ngọc Bích