GS.TS Đoàn Xuân Tiên – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học KTNN là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Báo cáo trước Hội đồng, Ths. Võ Tiến Thịnh cho biết: Qua gần 35 năm đổi mới, mặc dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng quản trị quốc gia của Việt Nam được cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước. Các cuộc tranh luận tại Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, những thể chế nền tảng của kinh tế thị trường đã được nhận thức khá đầy đủ, tuy nhiên nỗ lực xây dựng hoặc vận dụng các thể chế này trong thực tiễn vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt. Nguyên nhân cơ bản do Việt Nam vẫn chưa thiết lập được một môi trường quản trị quốc gia (QTQG) phù hợp và hiện đại, giúp các nỗ lực cải cách thể chế kinh tế có thể tiến xa hơn, bắt kịp với chuẩn mực thế giới.
Theo ông Võ Tiến Thịnh, KTNN là một phần không thể thiếu của QTQG, thực hiện chức năng của mình theo quy định của pháp luật, đảm bảo chức năng giám sát, kiểm tra, đánh giá, và đưa ra những kiến nghị về quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công, từ đó góp phần nâng cao năng lực QTQG. Cho đến nay tại Việt Nam nói chung và tại KTNN nói riêng đã có nhiều công trình nghiên cứu những lợi ích, những đóng góp của KTNN nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính công, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện những đóng góp của KTNN thông qua việc kiểm toán tài chính công với việc nâng cao năng lực QTQG. “Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn chủ đề Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm toán tài chính công gắn với việc nâng cao năng lực QTQG để nghiên cứu. Đây là vấn đề mới, rộng và phức tạp nhưng có tính thời sự cao không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn sâu sắc ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” – ông Võ Tiến Thịnh nói.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng: Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và quản lý nợ công giai đoạn 2014 đến nay trong việc góp phần nâng cao năng lực QTQG; nhận diện được những khó khăn và thách thức trong kiểm toán tài chính công để nâng cao năng lực QTQG. Từ đó đưa ra những kiến nghị mục tiêu, nội dung, phạm vi và phương thức kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, kiểm toán DNNN và kiểm toán quản lý nợ công để nâng cao năng lực QTQG.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu làm 3 chương: Chương 1 - Lý luận chung về quản trị quốc gia và vai trò của KTNN trong kiểm toán tài chính công góp phần nâng cao năng lực QTQG; Chương 2 - Thực trạng kiểm toán tài chính công của KTNN góp phần nâng cao năng lực QTQG; Chương 3 - Kiến nghị mục tiêu, nội dung và phương thức kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, kiểm toán DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối và kiểm toán quản lý nợ công để nâng cao năng lực QTQG.