Báo cáo tại Hội nghị, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Trần Văn Hồng cho biết, trong năm 2021, KTNN chuyên ngành IV được Tổng Kiểm toán nhà nước giao thực hiện 11 cuộc kiểm toán, tổ chức thành 18 Đoàn kiểm toán, gồm 15 Đoàn kiểm toán dự án đầu tư và 03 Đoàn kiểm toán chuyên đề. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, KTNN chuyên ngành IV đã chủ động rà soát trình Lãnh đạo KTNN điều chỉnh Phương án tổ chức kiểm toán, cụ thể: Điều chỉnh giảm không thực hiện kiểm toán 03 dự án, chuyển sang kế hoạch kiểm toán năm 2022; giảm 10 đầu mối kiểm toán đợt 2 năm 2021 và tách 02 Đoàn kiểm toán đợt 3 thành 04 Đoàn để phù hợp với điều kiện tổ chức kiểm toán.
Trong năm, KTNN chuyên ngành IV đã chủ động xây dựng phương án tổ chức kiểm toán linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế, đổi mới cách thức thực hiện, ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm toán từ xa, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng phần mềm của KTNN... Đến nay, 17 Đoàn kiểm toán của đơn vị đã hoàn thành kiểm toán, gồm 03 đoàn kiểm toán chuyên đề và 14 đoàn kiểm toán dự án đầu tư; phát hành 10 Báo cáo kiểm toán (BCKT) và đang trình phát hành 07 BCKT đợt 3. Tổng giá trị kiến nghị xử lý về kinh tế là 770,8 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu NSNN về thuế và các khoản chi sai: 78,93 tỷ đồng; giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng còn lại: 335,7 tỷ đồng; kiến nghị khác: 356,2 tỷ đồng. “Nhờ sự sát sao và quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của các Đoàn kiểm toán, hoạt động kiểm toán có nhiều chuyển biến tiến bộ, tỷ lệ các kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN tính trên tổng kiến nghị xử lý về kinh tế cao hơn so với kết quả kiểm toán năm 2020. Điều đó cho thấy chất lượng kiểm toán đã được nâng cao” – ông Trần Văn Hồng khẳng định.
Cùng với những phát hiện và kiến nghị về xử lý kinh tế, các Đoàn kiểm toán đã tập trung đi sâu kiểm toán tuân thủ, từ đó chỉ rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm và đưa ra các kiến nghị để khắc phục thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, vốn đầu tư. Bên cạnh đó, KTNN chuyên ngành IV cũng chú trọng việc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán với 51 cuộc kiểm tra, đạt 100% kế hoạch. Kết quả thực hiện kiến nghị tăng thu và giảm chi đầu tư xây dựng năm 2020 đạt ... , đạt 75,3%.
Đặc biệt, trong năm 2021, KTNN chuyên ngành IV đã tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đây là lần đầu tiên KTNN thực hiện nhiệm vụ này theo quy định tại khoản 4, Điều 10 Luật KTNN; Lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán các dự án thành phần thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh theo đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, năm 2021, lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV đã thực hiện kiểm soát tất cả các cuộc kiểm toán của đơn vị. Trong đó, tiến hành kiểm soát toàn diện ngay từ giai đoạn khảo sát, lập, xét duyệt kế hoạch, đến giai đoạn lập báo cáo kiểm toán.
Trong năm 2022, KTNN chuyên ngành IV xác định phương hướng hoạt động: “Tăng cường đổi mới nội dung và phương thức tổ chức kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ”. Theo đó, đơn vị xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán và nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác khảo sát và thu thập thông tin đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời; đổi mới tổ chức kiểm toán phù hợp với tính chất và quy mô từng cuộc kiểm toán; đề cao tinh thần sáng tạo, đổi mới, mạnh dạn đi đầu trong các lĩnh vực kiểm toán mới, lĩnh vực kiểm toán khó.