Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác tổ chức cán bộ

ĐỖ VĂN TẠO - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, KTNN

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) luôn nỗ lực, chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định, chế độ, chính sách để tham mưu cho Ban cán sự đảng (CSĐ), Tổng Kiểm toán nhà nước trong công tác cán bộ, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn Ngành, đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên ngành và cơ cấu ngạch bậc hợp lý.
 
Theo Vụ trưởng Vụ TCCB Đỗ Văn Tạo, người làm công tác TCCB phải thực sự công tâm, khách quan, trong sáng; có trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực tổ chức để tham mưu trúng, đúng, giúp Ban CSĐ, Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức KTNN đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới.
 
“Bước sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của Ngành hết sức nặng nề và khó khăn. Do vậy, mỗi bộ phận, mỗi cán bộ, công chức KTNN nói chung và công chức Vụ TCCB nói riêng cần tiếp tục phát huy vai trò, không ngừng nỗ lực để xây dựng KTNN ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là cơ quan do Quốc hội thành lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” - Vụ trưởng Vụ TCCB Đỗ Văn Tạo.
 
Làm tốt nhiệm vụ tham mưu trong công tác tổ chức cán bộ

Vụ TCCB có chức năng tham mưu, giúp Ban CSĐ, Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương, quản lý nhân sự và đào tạo của KTNN. Nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác TCCB, Vụ luôn chú trọng công tác tham mưu trên cơ sở bám sát các quan điểm, chủ trương, nguyên tắc của Đảng và đạt được những kết quả có dấu ấn quan trọng.

Cụ thể, Vụ TCCB đã tham mưu cho Ban CSĐ, lãnh đạo KTNN ban hành nhiều văn bản về quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của KTNN. Hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN đã được phát triển khá toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từng bước tiến tới đồng bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn đảm bảo tính chủ động. Công tác tuyển dụng từng bước được đổi mới. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện thường xuyên, góp phần từng bước điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức trong toàn Ngành. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, phát huy tốt năng lực, sở trường trên vị trí công tác mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Chính sách cán bộ, công chức cũng được quan tâm, tạo động lực giúp công chức, viên chức có đủ năng lực tổ chức hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn, sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Để đạt được kết quả trên, trong những năm qua, Vụ TCCB đã luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các chủ trương của Ban CSĐ, Ban Thường vụ Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng trong công tác tham mưu; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ của công chức…

Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ công chức KTNN tinh gọn, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Sắp xếp bố trí, sử dụng đội ngũ dựa trên Đề án vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ và yêu cầu công việc thực tế; 100% kiểm toán viên nhà nước, công chức trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán, làm công tác kế hoạch, tổng hợp, thẩm định báo cáo kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế; nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác TCCB ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Ngành, thời gian tới, Vụ cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho công chức lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng về vai trò, nhiệm vụ và tầm quan trọng của những người làm công tác tham mưu về TCCB; nâng cao nhận thức của công chức trong Vụ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong công tác tổ chức, đảm nhiệm, tham mưu về nhân sự, liên quan trực tiếp đến con người, tổ chức, cơ quan.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác tham mưu về tổ chức theo hướng xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Ba là, thường xuyên rà soát, nghiên cứu, kịp thời bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về công tác cán bộ, đảm bảo phù hợp với các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước. Đổi mới công tác TCCB phải từ việc đổi mới và hoàn thiện các văn bản pháp lý, các quy định, quy chế và các văn bản liên quan nhằm giúp cấp ủy đảng, đội ngũ tham mưu có hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện.

Bốn là, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tham mưu về công tác TCCB, đảm bảo tiêu chuẩn, vị trí, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng tham mưu về công tác TCCB; tăng cường cử công chức tham mưu về công tác cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cũng như thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật các văn bản mới của Đảng, Nhà nước và KTNN liên quan đến công tác này, trao đổi kinh nghiệm tham mưu về công tác TCCB; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu tinh thông về nghiệp vụ, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; bảo đảm cho công tác cán bộ được chủ động, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn công tác chuyên môn. Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ tạo sự chủ động, bảo đảm tính kế thừa, phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của Ngành và thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm tính khoa học, tính kế thừa liên tục và vững chắc, phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; chú trọng đào tạo chuyên sâu kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng và gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ, công chức.
Sáu là, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tham mưu trong công tác bố trí và sử dụng cán bộ, công chức đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy tốt nhất năng lực của cán bộ, công chức. Việc làm này phải đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo quản lý với trình độ chuyên môn, lĩnh vực công tác trên cơ sở nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức. Mạnh dạn tham mưu bổ nhiệm cán bộ trẻ để họ có chức danh lãnh đạo, quản lý, được rèn luyện thử thách, từ đó ngày càng trưởng thành, phát triển.

Bảy là, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác TCCB nhằm giúp đánh giá sát, đúng thực trạng đội ngũ tham mưu về công tác cán bộ; mức độ hoàn thành nhiệm vụ; kịp thời chấn chỉnh hoặc kỷ luật đối với cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong công tác TCCB; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, nâng cao chất lượng công tác tham mưu.

Cùng với các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác TCCB, Vụ sẽ tăng cường đoàn kết và tạo điều kiện để mỗi công chức phát huy tính năng động, sáng tạo, cùng góp sức vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành trong giai đoạn mới.