Kiểm toán nhà nước tổ chức gặp mặt Lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ

(sav.gov.n) – Nhân dịp đầu năm mới 2022, chiều 06/01/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức gặp mặt tri ân Lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ. Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt có sự tham dự của các đồng chí nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Đỗ Bình Dương; Nguyễn Hữu Vạn và các đồng chí Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Bí thư Trung ương đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Hà Ngọc Son; Hoàng Ngọc Hài; Lê Hoàng Quân; Hoàng Hồng Lạc; Nguyễn Quang Thành; Cao Tấn Khổng; Đoàn Xuân Tiên.
 
Về phía KTNN có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Vũ Văn Họa, Đặng Thế Vinh, Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung; và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
 
Báo cáo khái quát một số kết quả nổi bật năm 2021 đã đạt được và những phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của KTNN, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong năm 2021, KTNN triển khai 181 cuộc kiểm toán, tập trung vào các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và kiểm toán môi trường; đồng thời thực hiện thí điểm kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại cấp tỉnh.
 
KTNN đã triển khai nhiều giải pháp để tổ chức kiểm toán trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đảm bảo ưu tiên tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng hợp sơ bộ đến 15/12/2021 toàn Ngành đã triển khai 189/192 Đoàn kiểm toán, phát hành 154 BCKT. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật.
 
KTNN đã gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, các Đại biểu Quốc hội báo cáo ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2022 để Quốc hội xem xét, quyết định. Năm 2021 là năm đầu tiên KTNN có ý kiến với Quốc hội, UBTVQH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia và đã được UBTVQH ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm, KTNN tích cực đóng góp nhiều ý kiến và cử lãnh đạo tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội và UBTVQH.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, chủ đề trong hoạt động của năm 2022 của KTNN là “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ”. Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gồm: Bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để chủ động triển khai nhiệm vụ đảm bảo khoa học, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả; Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán năm 2022 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhằm thích ứng với diễn biến dịch Covid – 19; Đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, đào tạo cán bộ, công chức; Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn công tác cán bộ, đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; Đổi mới phương thức đối với hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19; Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng CNTT vào hoạt động công vụ; xây dựng Trung tâm dữ liệu của KTNN theo mô hình quản lý tập trung...
 
Các đồng chí lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và Nguyễn Hữu Vạn bày tỏ vui mừng và tự hào trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của KTNN trong thời gian qua. Các đồng chí cho rằng, các kết quả công tác của KTNN ngày càng được các Bộ, ban, ngành và các địa phương đánh giá cao; hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ và Quốc hội trong quản lý, điều hành và giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Điều này minh chứng cho sự ghi nhận về vai trò và vị thế ngày càng cao của KTNN. Đồng thời, cũng đặt lên vai KTNN trọng trách ngày càng to lớn, đòi hỏi KTNN cần tiếp tục nỗ lực nâng cao trách nhiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên muôn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
 
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương và Nguyễn Hữu Vạn mong muốn thời gian tới, KTNN tiếp tục đoàn kết, thống nhất, đổi mới nội dung và phương pháp kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động. Đặc biệt KTNN cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, đề cao đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho đội ngũ cán bộ, công chức, Kiểm toán viên nhà nước. Các đồng chí cũng gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng với đội ngũ lãnh đạo của KTNN sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
 
Thay mặt Lãnh đạo KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh bày tỏ tri ân và lòng biết ơn sâu sắc tới các thế hệ Lãnh đạo KTNN, những người đã đặt nền móng để xây dựng, làm nên truyền thống đoàn kết, nhất trí, tính kỷ cương, liêm chính và trách nhiệm của toàn Ngành. Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho rằng, thành quả mà KTNN đạt được trong gần 30 năm qua có sự đóng góp to lớn của các đồng chí nguyên Lãnh đạo KTNN. “KTNN từ một tổ chức không có tiền thân đã trở thành một định chế được hiến định trong Hiến pháp, với vị thế và vai trò được ghi nhận ngày càng cao trong nước và trên quốc tế. Chúng tôi nhận thức sâu sắc, đi đôi với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao là trách nhiệm ngày càng nặng nề, đòi hỏi KTNN phải không ngừng phấn đấu nỗ lực, đổi mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trong năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, KTNN sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm toán dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT và công nghệ cao, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng. “KTNN mong muốn thường xuyên, liên tục nhận được ý kiến chỉ đạo của nguyên Lãnh đạo KTNN để tiếp tục bồi đắp và phát triển truyền thống đáng tự hào của Ngành, đoàn kết, nhất trí, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nói./.
 
Ngọc Bích