Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong những năm qua, KTNN đã thực hiện các cuộc kiểm toán đối với ngân sách địa phương (NSĐP) với cách thức lồng ghép 03 loại hình kiểm toán là kiểmtoán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động, với tên gọi là “Kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước”. Các cuộc kiểm toán NSĐP thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về kiến nghị xử lý tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương quản lý và điều hành NSNN.
Trong năm 2021, KTNN đã vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu rủi ro để xây dựng đề cương kiểm toán và thực hiện thí điểm 02 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP nhằm hoàn thiện Hướng dẫn Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và mở rộng thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định “Với thực tiễn kinh nghiệm triển khai kiểm toán còn chưa nhiều, chắc chắn có không ít khó khăn đặt ra trong năm 2022 với 31 cuộc trong toàn Ngành và trong các giai đoạn tiếp theo”.
Vì vậy, Tọa đàm được tổ chức nhằm đúc kết, đánh giá toàn diện kết quả đã đạt được để chia sẻ, lan tỏa trong toàn Ngành những kinh nghiệm, cách thức tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để cùng tìm ra những giải pháp khắc phục nhằm thực hiện có hiệu quả các Đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Tọa đàm đã nghe các Kiểm toán viên là Tổ trưởng, Trưởng các Đoàn kiểm toán có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán NSĐP của KTNN trình bày 07 bài tham luận: Kinh nghiệm thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và những vấn đề khác biệt cần lưu ý so với cuộc kiểm toán NSĐP; Khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm rút ra qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP tại Lai Châu; Giải pháp tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP của KTNN các khu vực; Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và mộ số vấn đề đặt ra; Kinh nghiệm khai thác dữ liệu tổng hợp trên các phần mềm của cơ quan tài chính phục vụ cho kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP; Vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán khi kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP; Một số điểm cần lưu ý khi kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP tại cơ quan tổng hợp tài chính, thuế, kho bạc Nhà nước.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Lê Hoài Nam trình bày tham luận "Kinh nghiệm thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và những vấn đề khác biệt cần lưu ý so với cuộc kiểm toán NSĐP"
Các ý kiến trao đổi cho rằng, trong thời gian qua, KTNN đã có nhiều đổi mới, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP như: Ban hành Đề cương kiểm toán NSĐP với định hướng tập trung kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP tại các cơ quan tài chính tổng hợp (các nội dung kiểm toán NSĐP hàng năm đều được rà soát, mở rộng trong Hướng dẫn kiểm toán hàng năm); Ban hành Hướng dẫn tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lĩnh vực kiểm toán Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán NSĐP tạo cơ sở xác định lượng và định tính trong xác nhận Báo cáo quyết toán NSĐP; Sửa đổi quy trình kiểm toán; Hệ thống Hồ sơ mẫu biểu kiểm toán… đồng thời trong năm 2021 đã tổ chức thực hiện thí điểm tại 02 cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP để hoàn thiện Hướng dẫn Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP và mở rộng thực hiện trong năm 2022.
Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP. Cụ thể như: Thời gian kiểm toán Báo cáo quyết toán NSĐP thường được bố trí trước tháng 10 hàng năm, trong khi thời điểm này phần lớn Sở Tài chính và Kho bạc nhà nước tỉnh mới lập sơ bộ báo cáo quyết toán NSĐP, chưa có bộ báo cáo quyết toán NSĐP chính thức; Số lượng đầu mối kiểm toán lớn gồm đơn vị dự toán ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện và cấp xã, nên việc có ý kiến về tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán của ngân sách một tỉnh là rất khó thực hiện....; KTNN hiện chưa ban hành được đầy đủ các hướng dẫn, hồ sơ mẫu biểu thực sự khoa học, có hệ thống về kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP phù hợp với quy định của Luật NSNN nên quá trình thực hiện còn lúng túng, chưa đồng bộ; Việc hiểu, vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trong các giai đoạn của chu trình kiểm toán còn mang nhiều hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu nhất là xác định mức trọng yếu trong cả giai đoạn xây dựng KHKT và áp dụng trong các giai đoạn thực hiện kiểm toán…
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng của các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, nhiều ý kiến cho rằng, KTNN cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Nghiên cứu, linh hoạt trong xây dựng phương thức tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP; đồng thời có chiến lược tiếp cận tổng thể khi xây dựng kế hoạch trung hạn và kế hoạch hằng năm đối với chủ đề kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP trong toàn Ngành.
Sớm ban hành Đề cương hướng dẫn thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP để các đơn vị có thời gian tổ chức nghiên cứu, tập huấn trước khi tổ chức thực hiện. Hàng năm cần rà soát, cập nhật, bổ sung góp phần nâng cao chất lượng các đợt kiểm toán năm sau.
Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Quy trình, Hướng dẫn kiểm toán của KTNN, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, các văn bản quy định chuyên môn nghiệp vụ khác đảm bảo việc vận dụng các hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu dễ dàng, hiệu quả gắn với cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP.
Các KTNN khu vực cần tăng cườngtài chính, quản lý điều hành, tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý… tại các đầu mối kiểm toán, cơ quan tài chính tổng hợp của địa phương góp phần hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán để phục vụ công tác thu thập thông tin đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu tại các đơn vị được kiểm toán.
Không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ Kiểm toán viên, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyên sâu trong lĩnh vực được kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP…
Bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh biểu dương các ý kiến tham luận, trao đổi thẳng thắn, hiệu quả. “Việc tổng kết, đúc rút các bài học; học tập, phổ biến kinh nghiệm thông qua các tọa đàm, trao đổi là biện pháp rất hữu hiệu để KTNN ngày càng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP những năm tiếp theo” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, các đơn vị chủ trì Hội thảo tổng kết và thông báo kết quả Tọa đàm để các đơn vị trong Ngành được biết, nghiên cứu và thực hiện./.
Ngọc Bích