Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 2 tháng đầu năm 2022 đạt 8,8% so với kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 02/2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 46,3 nghìn tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021, gồm có: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1%; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4%.
Theo Bộ Tài chính, hiện có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 32,65%, Thái Bình là 31,7%, Lai Châu là 27,3%. Bộ Tài chính nhận định tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn hai tháng đầu năm 2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân là trong tháng 1/2022, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết thành 31/1/2022 và khiển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Qua kiểm tra, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn của Bộ Tài chính, vẫn còn một số địa phương phân bổ cho một số dự án khởi công mới chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa có quyết định đầu tư được duyệt; bố trí vượt kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, có tình trạng địa phương bố trí vốn cho một số dự án chưa thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền giao; một số địa phương chưa phân bổ đủ cho các dự án hoàn thành năm 2022; phê duyệt đầu tư dự án khởi công mới chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mặc dù các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN 2022 ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, đến nay số vốn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn, (94.493) tỷ đồng, bằng 18% kế hoạch Thủ tướng giao.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022 khẩn trương thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho các dự án theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2022 do chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án; thực hiện phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 sau khi các dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Trong Nghị quyết số 40/2021/QH15 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư NSNN bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 202; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.
Để bảo đảm kỷ luật ngân sách, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, Nghị quyết số 40/2021/QH15 của Quốc hội cũng nêu rõ, đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giải ngân vốn đầu tư công được xem như một trong những "mắt xích" quan trọng để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu công năm 2022 có cơ sở để đạt được khi trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân vốn đầu tư công 8,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây./.
Khánh Vy