Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của Phiên họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 16/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của UBTVQH trong nhiệm kỳ khóa XV và kể từ phiên họp tháng 8/2019 đến nay. Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thực tiễn đời sống của nhân dân, tổng hợp đề xuất chất vấn của ĐBQH, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về KT-XH và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, UBTVQH tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công thương và Tài nguyên - Môi trường. Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển KT-XH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Để đảm bảo hiệu quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu kỹ để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Chính phủ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh, vòng vo, làm rõ thực trạng, có câu trả lời, đáp án cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như định hướng lâu dài đối với những vấn đề mà ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đã có 24 đại biểu chất vấn, trong đó có những nội dung được chất vấn trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công Thương về 3 nhóm vấn đề: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản. Dự trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về giải pháp lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của xung đột Nga -Ukraine. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề hợp tác thương mại quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời từng nội dung chất vấn của đại biểu đề cập trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng và các điểm cầu. Theo đó, liên quan đến tình hình xăng dầu hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; công khai số liệu về nguồn cung của doanh nghiệp. Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Cùng với đó, Bộ Công thương cũng có công văn gửi UBND các tỉnh đề nghị phối hợp chỉ đạo việc cung ứng xăng dầu và kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương liên quan bám sát diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới, qua đó có biện pháp điều hành phù hợp nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Về giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bước sang năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch COVID-19 và một số nguyên nhân khác thì xuất khẩu hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Bộ Công Thương đã ban hành nhiều giải pháp lưu thông hàng hóa và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Cũng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Buổi chiều, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, gồm: Vệc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ rõ thực trạng thời gian qua không chỉ có thổi giá mà còn có dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”. Điều này ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và làm thổi giá lên cao, tạo ra một mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Đằng sau đấy còn rất nhiều hệ luỵ, đặc biệt là liên quan đến các ngân hàng khi đẩy giá lên cao, giá ảo để thế chấp sẽ làm mất an ninh tiền tệ.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đánh giá, nghiên cứu cả những góp ý của các hiệp hội, cho thấy các nguyên nhân. về các quy định của pháp luật đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách pháp luật về Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, các quy định liên quan đến về tài chính, thuế… cần có chế tài mạnh hơn xử lý các trường hợp đấu giá bỏ cọc, quy định chặt chẽ về năng lực của chủ thể tham gia đấu giá.
Liên quan đến “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá, Bộ cũng đang nghiên cứu lựa chọn cách thức tổ chức đấu giá phù hợp để lựa chọn đúng doanh nghiệp, người mua có năng lực; đồng thời tăng cường trách nhiệm, kỷ luật đối với đơn vị tổ chức đấu giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra, điều tra đối với các cơ quan công quyền suy thoái, cung cấp thông tin rồi cùng với các nhà đấu giá hưởng lợi phi pháp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hiện luật pháp chưa chặt chẽ nên bị lợi dụng thì cần bổ sung chế tài; đồng thời cho rằng không cần hình sự hoá mà chỉ cần chế tài, chính sách kinh tế cũng đủ sức điều chỉnh. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm của Bộ là ủng hộ việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Cũng trong buổi chiều, đại biểu đã chất vấn về việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều năm qua vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải luôn là vấn đề bức xúc. Hiện nay đã có đầy đủ cơ chế chính sách, pháp luật, quy định trách nhiệm rõ ràng với Luật Bảo vệ môi trường và đồng bộ các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực thi. Trong năm 2022 sẽ tiến hành tổng kết toàn bộ hoạt động các trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường và công nghệ và Bộ sẽ công bố các công nghệ xử lý rác thải phù hợp để các địa phương lựa chọn. Trong đó, công nghệ được lựa chọn phải theo hướng tái chế, tái sử dụng, biến chất thải thành năng lượng. Như vậy, trong năm 2022 sẽ hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ; có hướng dẫn để các địa phương lựa chọn cách thức xử lý phù hợp. Trong quá trình này có vai trò của người dân và xã hội hóa dịch vụ xử lý rác thải.
Về vấn đề nước thải hiện nay, Bộ trưởng nêu quan điểm rất rõ: Đối với các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn, phải coi là các trung tâm dịch vụ công và Nhà nước phải cung cấp mặt bằng. Thông qua quy hoạch, lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá như nào và phải có sự hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Về chất thải y tế có COVID-19, ngay từ đầu đã xác định đây là vấn đề hệ trọng, xác định rõ đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế. Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn Bộ Tài nguyên - Môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom. Bộ cũng đã cung cấp cho ngành y tế danh mục các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này. Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý. Đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của địa phương.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phiên chất vấn đầu tiên của UBTVQH đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự chú ý, theo dõi rộng rãi của nhân dân và cử tri cả nước. Việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn rất đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa quan trọng, cơ bản và lâu dài. Mặc dù được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối với 62 điểm cầu trong cả nước, nhưng phiên họp đã tạo sự tương tác trực tiếp giữa người hỏi và người trả lời, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cùng với 48 đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp, đối với các ý kiến còn lại, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu tiếp tục gửi văn bản đến thành viên Chính phủ để được trả lời trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan thực hiện quyết liệt các cam kết tại phiên họp, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân; các ĐBQH chủ động, tích cực thực hiện tốt chức năng, vai trò được giao, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022 và của giai đoạn 2021-2025./.