Năm 2021, KTNN khu vực VII đã xây dựng đề cương và triển khai thí điểm cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (NSĐP) tại tỉnh Lai Châu. Qua đó, đơn vị đã đúc kết được một số kinh nghiệm và đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc kiểm toán này.
Kinh nghiệm từ cuộc kiểm toán tại tỉnh Lai Châu
Cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP tại tỉnh Lai Châu đã đạt được kết quả nhất định với tổng số kiến nghị xử lý tài chính là hơn 352,6 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN khu vực VII đã kiến nghị chấn chỉnh công tác điều chỉnh hạch toán giữa các cấp ngân sách về thu ngân sách trong và sau thời gian chỉnh lý quyết toán.
Để đạt được kết quả trên, KTNN khu vực VII đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Tuy vậy, quá trình triển khai vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khi triển khai kiểm toán, địa phương chưa lập xong báo cáo. Việc vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu còn hạn chế do đây là phương pháp mới và khó; trình độ, năng lực của kiểm toán viên chưa đồng đều. Số lượng đơn vị sử dụng NSNN tại các cấp ngân sách của tỉnh rất nhiều song việc chọn mẫu, số lượng đơn vị được kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu rất ít (4/8 huyện được kiểm toán, 7/50 đơn vị dự toán đối chiếu).
Từ thực tiễn kiểm toán trên, KTNN khu vực VII đúc kết một số kinh nghiệm. Theo đó, khi kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, đoàn kiểm toán cần dành thời gian kiểm toán việc lập, phân bổ và giao dự toán. Đây là tiền đề cho việc tổ chức thực hiện của địa phương có tuân thủ hay không tuân thủ dự toán được HĐND tỉnh giao.
Đối với báo cáo quyết toán NSĐP cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), đoàn kiểm toán phải đối chiếu, xác nhận với Kho bạc Nhà nước, trong đó lưu ý: Số quyết toán thu là số thu đã thực nộp và số thu đã hạch toán thu ngân sách theo quy định. Các khoản thu thuộc ngân sách năm trước, nộp ngân sách năm sau thì hạch toán, quyết toán vào thu năm sau. Số quyết toán chi là số chi đã thực thanh toán và số chi đã hạch toán chi NSNN theo quy định. Báo cáo quyết toán chi NSNN của đơn vị không lớn hơn dự toán ngân sách được giao...
Khi đối chiếu với báo cáo quyết toán thu ngân sách, đoàn kiểm toán cần lưu ý, tổng số thu NSĐP phải đúng với tổng số thu ngân sách trong báo cáo thu ngân sách tại kho bạc. Việc đối chiếu tổng thu ngân sách giữa các cấp ngân sách T.Ư, tỉnh huyện, xã cũng cần được quan tâm. Nếu có chênh lệch tổng số liệu các cấp ngân sách, đoàn kiểm toán yêu cầu địa phương giải trình rõ.
Tương tự, khi đối chiếu với báo cáo quyết toán chi ngân sách, đoàn kiểm toán cần lưu ý tổng số chi NSĐP phải đúng với tổng số chi ngân sách trong báo cáo chi ngân sách tại kho bạc. Khi đối chiếu tổng chi ngân sách giữa các cấp ngân sách, tỉnh, huyện, xã, nếu phát hiện chênh lệch tổng số liệu các cấp ngân sách, đoàn kiểm toán yêu cầu đơn vị giải trình rõ. Việc đối chiếu báo cáo quyết toán chi phải đúng với nội dung chỉ tiêu trong dự toán được giao và chi tiết theo mục lục NSNN…
8 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán
Qua việc thực hiện thí điểm cuộc kiểm toán tại tỉnh Lai Châu, KTNN khu vực VII đề xuất 8 nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP.
Theo đó, Ngành sớm ban hành Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP để áp dụng thống nhất.
Tổ chức tập huấn, trao đổi cụ thể về Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP; sử dụng và khai thác phần mềm quản lý ngân sách (TABMIS) tại các cơ quan tài chính tổng hợp và Kho bạc Nhà nước; kiểm toán tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm chuyên sâu trong Ngành để có giải đáp cụ thể đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hướng dẫn, từ đó thống nhất áp dụng, tạo sự nhất quán, tránh việc thực hiện theo ý kiến chủ quan của kiểm toán viên nhà nước.
Dựa trên đề cương kiểm toán của Ngành, KTNN khu vực chủ động xây dựng đề cương khảo sát gửi UBND tỉnh để đơn vị cung cấp số liệu, tài liệu phục vụ việc khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán; thu thập đầy đủ thông tin cần thiết về đơn vị, tình hình quản lý, tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị. Trên cơ sở thông tin đã thu thập, KTNN khu vực cần đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp ở cấp độ báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và ở cấp độ cơ sở dẫn liệu, khoản mục và đánh giá tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ; xác định mức trọng yếu tổng thể, mức trọng yếu thực hiện phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; xác định đầy đủ các nội dung, khoản mục trọng yếu trên cơ sở kết quả khảo sát, kết quả đánh giá rủi ro; lựa chọn phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp với các khoản mục, nội dung trọng yếu và khoản mục, nội dung không trọng yếu. Đoàn kiểm toán cần bố trí kiểm toán viên có kinh nghiệm, trình độ và chuyên môn sâu về tổng hợp số liệu; bố trí thời gian kiểm toán ngắn ngày hơn so với kiểm toán NSĐP và vào đợt cuối của kế hoạch kiểm toán năm.
Đối với các đoàn lồng ghép, các tổ kiểm toán tổng hợp thực hiện kiểm toán song song các nội dung kiểm toán với việc tổng hợp báo cáo quyết toán NSĐP của địa phương, phối hợp với sở, ngành chủ quản của địa phương thực hiện các nội dung kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Thông báo kế hoạch và dự kiến thời gian thực hiện kiểm toán tại địa phương tới UBND tỉnh để tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn (tài chính, thuế, kho bạc) tổng hợp lập báo cáo quyết toán NSĐP (tỉnh, huyện, xã) trước thời gian quy định (ngày 01/10) và trước thời gian thực hiện kiểm toán.
Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để thu thập tài liệu, số liệu từ khâu khảo sát, lập kế hoạch đến thực hiện kiểm toán.
Tăng cường kiểm toán tổng hợp, vận dụng Chuẩn mực KTNN 1600 theo Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu để đánh giá các báo cáo quyết toán của các đơn vị chi tiết được tổng hợp trong báo cáo quyết toán NSĐP (các đơn vị không chọn kiểm toán chi tiết). Nếu phát hiện vấn đề có thể có sai sót trọng yếu, đoàn kiểm toán cần yêu cầu đơn vị giải trình, làm rõ./.
Nguyễn Đức Long – Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII
(Báo Kiểm toán số 13/2022)