Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm toán - ThS. Trần Kim Lộc làm Chủ tịch Hội đồng.
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ở vị thế là một quốc gia cuối nguồn và hơn 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ việc khai thác, sử dụng nước thiếu bền vững của các quốc gia thượng nguồn; an ninh nguồn nước gặp nhiều thách thức; nguy cơ mất an toàn trong cấp nước rất cao, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm của hệ sinh thái và biến đổi khí hậu là công cụ quản lý không còn mới đối với các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam kiểm toán môi trường là lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ. Hiện nay, KTNN Việt Nam đã và đang cùng với một số nước thực hiện việc kiểm toán nguồn nước sông Mekong để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an sinh xã hội. Vì vậy, Ban đề tài lựa chọn nghiên cứu đề tài cấp cơ sở “Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm hệ sinh thái và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu: Nghiên cứu thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay; Đánh giá trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước; Những tồn tại, hạn chế và bất cập trong công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước do KTNN Việt Nam thực hiện; Đề xuất hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước để có những kiến nghị về đảm bảo chất lượng nguồn nước, tránh tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước, an sinh xã hội và gia tăng giá trị và hiệu lực, hiệu quả của kết quả KTNN.
Đối tượng nghiên cứu của của đề tài là hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là hoàn thiện mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán khác liên quan.
Đề tài kết cấu gồm 02 chương: Tổng quan về quản lý, sử dụng tài nguyên nước và kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước tại đồng bằng sông Cửu Long trước sự suy giảm hệ sinh thái, biến đổi khí hậu; Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước tại đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng cho rằng, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài là cần thiết, nhằm đánh giá thực trạng và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước ở nước ta hiện nay. Đề tài đã đi sâu
phân tích những tồn tại, hạn chế và bất cập trong công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước do KTNN thực hiện, từ đó, đề xuất hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước.
Về mặt lý luận, đề tài đã khái quát lý luận về tài nguyên nước và kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước trước sự suy giảm hệ sinh thái, biến đổi khí hậu; các nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng và hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và vấn đề đặt ra đối với kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long của KTNN; kinh nghiệm nước ngoài về kiểm toán tài nguyên nước và bài học cho KTNN Việt Nam.
Về mặt thực tiễn, đề tài đã phân tích đánh giá thực trạng về kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước do KTNN Việt Nam thực hiện và hoàn thiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hội đồng
đánh giá cao việc Ban đề tài đã chỉ ra những ưu điểm nổi bật cũng như những hạn chế, tồn tại liên quan đến kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước ở Việt Nam nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng hiện nay do KTNN Việt Nam thực hiện.
Góp ý kiến hoàn thiện đề tài, các thành viên Hội đồng cho rằng, Ban chủ nhiệm đề tài nên: Biên tập phần “Sự cần thiết của đề tài” cho ngắn gọn, súc tích và làm nổi bật sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài; Tập trung phân tích làm rõ hơn thực trạng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam và ĐBSCL nói riêng; Nghiên cứu, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường 2020, các văn bản dưới Luật, Hướng dẫn Kiểm toán hoạt động và các văn bản mới có liên quan để đảm bảo tính cập nhật của Đề tài. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước mà Quốc hội đang thực hiện, để có cái nhìn và đánh giá sắc xảo, tạo điểm nhấn cho Đề tài; Các nội dung liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững cần phân tích, làm rõ các mục tiêu liên quan đến tài nguyên nước…
Phát biểu kết luận, ThS. Trần Kim Lộc - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và cho rằng đề tài nghiên cứu có kết cấu và dung lượng hợp lý, phương pháp nghiên cứu phù hợp, văn phong rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, khoa học. Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị tham khảo hữu ích trong hoạt động thực tiễn của KTNN hiện nay. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài nghiên túc tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng nghiện thu để hoàn thiện đề tài
Đề tài đã được Hội đồng thông qua và xếp loại khá./.
Ngọc Bích