Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành đạt 562,2 nghìn tỷ đồng

(sav.gov.vn) – Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Cụ thể: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021; khu vực ngoài Nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD, tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký điều chỉnh của 228 lượt dự án (đã được cấp phép từ các năm trước) với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,63 tỷ USD, tăng 102,6% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 341 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 819,7 triệu USD và 393 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 811,4 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, khẳng định các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ đã và đang giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 03 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Có 03 địa phương có tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao là Bắc Giang, Kon Tum và Hải Phòng.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2022 của Bắc Giang ước đạt 14.337,3 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ, bao gồm: Vốn đầu tư thuộc Khu vực Nhà nước ước đạt 1.899,5 tỷ đồng, chiếm 13,2% tổng vốn và tăng 20,7% so với cùng kỳ; khu vực ngoài Nhà nước đạt 8.939,5 tỷ đồng, chiếm 62,4% và tăng 14,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3.498,3 tỷ đồng, chiếm 24,4% và tăng 41,1%.

Tổng vốn đầu tư thực hiện của tỉnh Thanh Hóa theo giá hiện hành quý I/2022 ước đạt 32.296,6 tỷ đồng, đạt 22,3% kế hoạch năm, tăng3,1% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 1.994,5 tỷ đồng, đạt 18,8% kế hoạch,tăng 6,7% so cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư toàn xã hội của Kon Tum thực hiện quý I/2022 ước tính tăng 30,14 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt.

Thực hiện vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của Hải Phòng dự kiến quý I/2022 đạt 31.128,8 tỷ đồng, tăng 8,29% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn Nhà nước ước đạt 2.274,5 tỷ đồng, tăng 6,26% so với quý 1/2021; vốn ngoài Nhà nước ước đạ 16.621,7 tỷ đồng, tăng 5,44%; vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ước đạt 12.232,6 tỷ đồng, tăng 12,85% so với cùng kỳ năm 2021./.

Khánh Vy