Toạ đàm “Xu hướng công nghệ - Những thách thức và việc tiếp cận trong thời gian tới”

(sav.gov.vn) – Chiều 8/4/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Chi đoàn Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Xu hướng công nghệ - những thách thức và việc tiếp cận trong thời gian tới”.

Toạ đàm có sự tham gia của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Trưởng Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng toàn thể cán bộ, công chức Vụ Hợp tác quốc tế và đại diện KTNN chuyên ngành VII.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng cho biết: Thời gian qua, KTNN luôn xác định công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ hỗ trợ đắc lực trong hiện đại hóa mọi mặt hoạt động, đặc biệt là cải cách hành chính. Để hiện đại hóa nền hành chính, KTNN đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN; phấn đấu ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của KTNN, nhất là trong hoạt động kiểm toán; chú trọng vấn đề bảo mật và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kiểm toán, tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để số hóa dữ liệu, kết nối liên thông với nguồn dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành và nguồn dữ liệu quốc gia; quản lý, vận hành hạ tầng CNTT đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, ổn định cho toàn bộ hệ thống mạng của KTNN; đẩy nhanh ứng dụng phần mềm số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử.
 
Buổi toạ đàm là dịp để các cán bộ, công chức Vụ Hợp tác quốc tế và KTNN chuyên ngành VII tiếp cận thông tin sâu hơn về xu hướng công nghệ hiện nay, từ đó nâng cao nhận thức trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
 
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Trưởng Bộ môn Công nghệ xây dựng - giao thông, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội


Tại Tọa đàm, các cán bộ công chức của Vụ Hợp tác quốc tế và KTNN chuyên ngành VII đã được nghe GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày những đặc trưng, thành tựu cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những tác động to lớn của 04 cuộc cách mạng công nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Cùng với đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã làm rõ các khái niệm như: Kinh tế số, chuyển đổi số, công nghệ blokchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo; IOT; tự động hóa, điện toán đám mây…; phân tích những cơ hội, thách thức và hướng đi cho Việt Nam trong thời gian tới.
 
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Dũng

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số (các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet). Đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Hiện nay, những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận…. Ở tầm vĩ mô thì kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu và tạo ra các giá trị kinh tế lớn thúc đẩy phát triển đất nước.

Blockchain cho phép con người hợp tác với nhau dựa trên một loại niềm tin mới là “niềm tin số” hay niềm tin vào tính đúng đắn của các thuật toán mã hoá, có độ bảo mật cao.

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người.Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình là ở việc ứng dụng các hệ thống học máy để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…Hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như: vận tải, sản xuất, y tế, giáo dục, truyền thông, dịch vụ…
 
Trong phần trao đổi, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đã giải đáp những câu hỏi của các bộ, công chức Vụ Hợp tác quốc tế và KTNN chuyên ngành VII xung quanh các khái niệm cụ thể liên quan đến công nghệ; việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ đặt biệt là công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc chuyên môn; những yêu cầu đặt ra trong vấn đề đào tạo, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức giúp cán bộ công chức nắm bắt tốt những cơ hội và làm chủ công nghệ./.
 
Hà Linh