Đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát cũng là lúc nhiều cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới bắt tay vào thực hiện kiểm toán các quỹ cứu trợ khẩn cấp của Chính phủ, cũng như các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Nhiều nước kiểm toán nguồn lực phòng, chống Covid-19
Có thể thấy, kể từ khi đại dịch bùng phát, các quốc gia trên thế giới đã huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch đã trở thành một yêu cầu cấp thiết được đặt ra tại nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Đây là cuộc kiểm toán có quy mô rất lớn mà KTNN thực hiện với mục tiêu đánh giá công tác quản lý, điều hành của các Bộ, cơ quan T.Ư trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; phản ánh thực trạng tình hình quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ nguồn NSNN, từ việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 và các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, thông qua kiểm toán phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ và thực hiện chức năng giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài chính công. Dự kiến, kết quả của cuộc kiểm toán sẽ được KTNN báo cáo Quốc hội, Chính phủ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2022.
Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia khác đã thực hiện các cuộc kiểm toán xem xét việc quản lý, sử dụng các nguồn lực dành cho công tác cứu trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tại châu Phi, tình trạng lạm dụng ngân sách công được ghi nhận ở mức cao hơn đáng kể so với các châu lục khác. Điển hình tại Malawi, ngày 14/4 vừa qua, Chính phủ đã công bố một báo cáo kiểm toán sơ bộ nêu bật tình trạng lạm dụng ngân sách công, theo đó, khoảng 28 triệu USD ngân sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã bị biển thủ.
Trước đó, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Malawi cũng từng công bố một báo cáo lên án tình trạng lạm dụng nghiêm trọng các quỹ phòng, chống Covid-19 và chỉ ra nhiều khoản tiền khổng lồ bị chi sai tại khắp các địa phương. Sau nhiều lần trì hoãn, từ năm 2021 tới nay, Chính phủ Malawi vừa yêu cầu Văn phòng Kiểm toán quốc gia phải công khai báo cáo kiểm toán đầy đủ, muộn nhất vào cuối tháng 4 này, để đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác phòng, chống dịch.
Tại châu Âu, nhiều SAI cũng đã gấp rút thực hiện những cuộc kiểm toán để đánh giá việc sử dụng các nguồn lực công nhằm hỗ trợ nạn nhân Covid-19. SAI Latvia đặc biệt chú trọng đến mục tiêu “đảm bảo tính đều đặn của hoạt động chi tiêu công trong và sau đại dịch”. Trong đại dịch, việc phân bổ tài chính công nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực có thể tạo ra nhiều rủi ro, thiếu sót, do đó, SAI Latvia đã xây dựng trọng tâm cần đánh giá các cơ chế pháp lý và thông lệ quản trị, đồng thời xác định và thảo luận những thách thức do Covid-19 tạo ra đối với hoạt động kiểm toán.
Hướng đến quản lý hiệu quả ngân sách công
Tháng 3 vừa qua, Tòa Thẩm kế Pháp đã phối hợp với các tổ chức trong nước và khu vực châu Âu tổ chức một số sự kiện có sự tham gia của đại diện nhiều SAI: Áo, Estonia, Latvia, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thụy Sĩ, Đức... để thảo luận về công tác kiểm toán các nguồn lực công giúp phòng, chống Covid-19, cũng như bàn về các kế hoạch chiến lược giúp đạt được mục tiêu đảm bảo minh bạch trong quản lý ngân sách phòng, chống dịch bệnh. Để đạt được điều này, vai trò của các SAI được đánh giá quan trọng hơn bao giờ hết.
Mới đây, KTNN Hoa Kỳ (GAO) cũng đã tiến hành kiểm toán các quỹ cứu trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ. Khi đại dịch bắt đầu xảy ra, các cơ quan liên bang đã nhanh chóng thiết lập các chương trình và gói cứu trợ tài chính cho người dân. Tuy nhiên, nhiều cơ quan không có hệ thống ngăn chặn và xác định lỗi thanh toán cũng như xác định các hành vi gian lận khiến ngân sách công bị chi tiêu sai mục đích, Chính phủ chưa thể đạt được mục tiêu đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong quá trình đánh giá những biện pháp kiểm soát nội bộ mà các cơ quan liên bang đã áp dụng, các thông lệ quản lý rủi ro, gian lận và đánh giá phản ứng của Chính phủ với đại dịch, GAO đã chỉ ra một số hạn chế đáng kể. Những bất cập này càng trở nên trầm trọng hơn do những yếu kém về quản lý tài chính hiện có trong bộ máy hoạt động của các cơ quan. Kết quả là, hàng tỷ đô la ngân sách có nguy cơ bị thanh toán sai quy định, bị thất thoát, không đảm bảo được các mục tiêu, hiệu quả của chương trình đề ra.
Để giải quyết các hạn chế này, GAO đã đưa ra 271 kiến nghị và 5 vấn đề để Quốc hội xem xét, hướng đến nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, chi tiêu ngân sách của liên bang. GAO đã yêu cầu các cơ quan báo cáo về tất cả những khoản thanh toán không phù hợp; yêu cầu báo cáo về công tác quản lý rủi ro, gian lận; phân tích gian lận; nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự, đặc biệt là vai trò của các giám đốc tài chính…
GAO cũng yêu cầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan xây dựng kế hoạch kiểm soát nội bộ để có thể sử dụng các khoản tài trợ khẩn cấp trong tương lai, đồng thời yêu cầu các cơ quan báo cáo kế hoạch đó cho OMB và Quốc hội; yêu cầu Cơ quan Quản lý an sinh xã hội chia sẻ toàn bộ cơ sở dữ liệu tử vong với các cơ quan liên quan để tiến hành việc dừng thanh toán đúng đối tượng và kịp thời, góp phần giảm thiểu đáng kể những sai sót trong chi tiêu công.
Những khuyến nghị của GAO được hy vọng sẽ giúp các cơ quan liên bang đảm bảo việc phân bổ kinh phí nhanh chóng và sử dụng tài chính hiệu quả; giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng như thúc đẩy nỗ lực của các cơ quan trong việc quản lý hiệu quả ngân sách liên bang.