BIDV: Phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngân hàng thuộc tốp 100 ngân hàng lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương
(sav.gov.vn) - Ngày 27/4/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Lễ đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Huân chương Sahametrei hạng Moha Sena của Quốc vương Campuchia và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu tại buổi Lễ.
Cùng dự sự kiện có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch nước Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotou; Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, kiêm Bộ trưởng Bộ Quan hệ Thượng viện, Quốc hội và Thanh tra Men Sam An; Lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh dự buổi Lễ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương những nỗ lực to lớn, thành tích xuất sắc và đóng góp tích cực của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. BIDV luôn tiên phong trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, BIDV đã phát huy vai trò của ngân hàng thương mại lớn, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vận hành hoạt động thông suốt để cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm, chủ yếu đặt ra đối với BIDV từ nay đến năm 2030 là phải phấn đấu trở thành ngân hàng nằm trong tốp 20 ngân hàng hàng đầu Đông Nam Á, tốp 100 ngân hàng lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị BIDV cần tập trung quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với lĩnh vực Ngân hàng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, trước hết là Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Ngân hàng BIDV cần cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với từng thời kỳ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra với cách làm và các giải pháp phù hợp, sáng tạo, hiệu quả.
BIDV phải tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam; không ngừng đổi mới, hoàn thiện, hướng tới sự phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững. BIDV phải hoàn thành chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm để phấn đấu đạt được mục tiêu này, mà trước mắt là trở thành định chế tài chính hàng đầu Đông Nam Á.
BIDV cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, quản trị và khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. “Hiện tại, vốn điều lệ của BIDV là hơn 2 tỷ USD - lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại nhưng vẫn thấp hơn so với các ngân hàng thương mại lớn trong khu vực. Đây là một hạn chế đối với yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn theo chuẩn mực quản trị quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực. Do đó, BIDV cần phải tiếp tục tập trung khiển khai thật tốt nhiệm vụ này,” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, BIDV cần đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và ngân hàng số trong hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành, thích ứng với sự thay đổi của thời đại, tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng phát triển, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thiết lập các kênh kinh doanh và dịch vụ mới, đồng thời chú trọng công tác bảo đảm an ninh mạng và an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực quản trị điều hành minh bạch, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn Basel trong hoạt động ngân hàng và bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra. Bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp sản xuất - chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa... nhằm góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với sứ mệnh "vì cộng đồng", góp phần thực hiện tốt các chính sách người có công, đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là cho người nghèo, người yếu thế, người sống ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Thành lập ngày 26/4/1957, sau 65 năm hoạt động với hơn 27 năm kinh doanh thương mại, đến nay BIDV đã trở thành một định chế tài chính đa sở hữu, hoạt động đa quốc gia, kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, vận hành công khai, minh bạch theo chuẩn mực, thông lệ quản trị quốc tế... BIDV hiện có hệ sinh thái ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán - đầu tư tài chính, mạng lưới rộng khắp với 1.085 chi nhánh, phòng giao dịch trong và ngoài nước, 10 công ty con và các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Đài Loan (Trung Quốc); hơn 27.000 cán bộ được đào tạo bài bản, dạn dày kinh nghiệm, có nền tảng hơn 15 triệu khách hàng cá nhân, 500.000 khách hàng doanh nghiệp và 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu...
BIDV hiện có quy mô tổng tài sản đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại; vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng; vốn Nhà nước được bảo toàn và không ngừng phát triển. Trong 5 năm trở lại đây, BIDV đóng góp ngân sách trên 28.000 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam.
Nhân dịp này, BIDV vinh dự được Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou trao Huân chương Phát triển hạng Nhì của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, kiêm Bộ trưởng Bộ Quan hệ Thượng viện, Quốc hội và Thanh tra Men Sam An trao Huân chương Sahametrei hạng Moha Sena của Quốc vương Campuchia.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, BIDV đã công bố điều chỉnh nhận diện thương hiệu. Theo đó, ngân hàng vẫn giữ nguyên tên đầy đủ là “Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam”, tên viết tắt là “BIDV”, biểu tượng logo hình thoi được thay thế bằng hình bông mai với ngôi sao 5 cánh chuyển động ở trung tâm. Màu sắc thương hiệu được điều chỉnh với màu xanh ngọc lục bảo làm chủ đạo và màu vàng là màu bổ trợ./.