Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Kiểm toán nhà nước là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Để xây dựng Kiểm toán nhà nước (KTNN) trở thành công cụ mạnh về kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, nhiều nghị quyết của Đảng đã đề cập, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, đề cao vai trò của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán mọi cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan KTNN báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội, Chính phủ và công bố công khai; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tiếp tục nhấn mạnh, đổi mới và lành mạnh hóa hệ thống tài chính - tiền tệ, thực hành triệt để tiết kiệm, thực hiện chế độ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định, thiết lập cơ chế giám sát tài chính - tiền tệ, nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, kiểm soát các nguồn vốn, các khoản vay nợ, trả nợ, mở rộng hình thức công khai tài chính. Nâng cao hiệu lực pháp lý và chất lượng KTNN như một công cụ mạnh của Nhà nước.
Sau hơn 27 năm xây dựng và phát triển, KTNN không ngừng lớn mạnh, từ một cơ quan mà trước đó chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động, được thành lập theo Nghị định số 70/CP, ngày 11-7-1994, của Chính phủ, trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập theo Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, và đặc biệt tại Hiến pháp năm 2013 đã hiến định địa vị pháp lý của KTNN là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (Điều 118 Hiến pháp năm 2013). Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình hoàn thiện các quy định pháp lý về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN.
Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019 quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngoài Luật Kiểm toán nhà nước, vai trò và trách nhiệm của KTNN trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công còn được quy định tại nhiều luật khác, như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường;… Đặc biệt, Điều 87 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật”; Điều 74 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…”. Nhìn chung pháp luật về KTNN đã được thể chế hóa kịp thời, toàn diện, thống nhất từ Hiến pháp đến Luật Kiểm toán nhà nước và các đạo luật có liên quan, bảo đảm nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng KTNN trở thành công cụ vững mạnh và sắc bén của Đảng, Nhà nước về kiểm tra tài chính, tài sản công trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn thực hiện vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Quán triệt quan điểm của Đảng, với hệ thống quy định pháp lý về KTNN ngày một đồng bộ, hoàn thiện, đã tạo cơ sở vững chắc để KTNN tổ chức hoạt động kiểm toán hiệu lực, hiệu quả; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Vai trò của KTNN được thể hiện trong thực tiễn qua các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, KTNN hoạt động với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Điều 4 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 nêu rõ, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Một trong những nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công là tiến hành kiểm tra để xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính; đưa ra các kết luận và đánh giá về hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN cũng đánh giá tính tuân thủ trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đánh giá các khía cạnh về tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong các khoản chi… Trong giai đoạn 2011 - 2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 467 nghìn tỷ đồng, riêng giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã kiến nghị xử lý tài chính 365 nghìn tỷ đồng, trong đó, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN chiếm khoảng 40% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, thông qua việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật trong chấp hành các quy định về quản lý tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, KTNN phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản… Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm ở các đơn vị được kiểm toán, KTNN lập và chuyển hồ sơ kiến nghị đến các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý đối với những cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán là một trong những cơ sở thông tin hữu ích để các cơ quan nội chính khai thác sử dụng phục vụ cho các hoạt động nghiệp vụ nội chính, tư pháp. Giai đoạn 2016 - 2020, KTNN đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý.
Thứ ba, thông qua hoạt động kiểm toán, phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản và các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật, dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Trong giai đoạn 2016 - 2020, KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 869 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của KTNN trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, KTNN là công cụ phục vụ giúp minh bạch về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách. Hằng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội về kết quả kiểm toán quyết toán NSNN, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; các báo cáo của KTNN sau khi báo cáo Quốc hội được công bố công khai và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của KTNN. Kết quả kiểm toán không chỉ trực tiếp ngăn chặn các hành vi sai phạm, gian lận, tham nhũng, lãng phí mà còn góp phần tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin, đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các kết quả kiểm toán cho lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ để sử dụng trong quyết định các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phê chuẩn quyết toán NSNN; cung cấp thông tin cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Qua đó phát huy vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương; vai trò quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp...
Tóm lại, có thể nói KTNN là một thiết chế độc lập trong hệ thống liêm chính quốc gia, có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; thực hiện kiểm toán góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Quan điểm và giải pháp phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.
Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQHXIV, ngày 16-9-2020, xác định mục tiêu tổng quát phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Để tiếp tục phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN cần quán triệt quan điểm phát triển và triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Về quan điểm phát triển
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTNN; tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, bảo đảm tính độc lập của hoạt động KTNN tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giữ vững giá trị cốt lõi Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng.
Thứ ba, phát triển KTNN gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của KTNN.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với định hướng phát triển và hoạt động của KTNN trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc nâng cao vai trò của KTNN trong hoạt động kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề liên quan đến phát triển bền vững và ứng phó với các vấn đề môi trường.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của KTNN để tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước. Đồng thời, để tăng cường tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật, cần có những quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm pháp luật KTNN, nhất là những hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Ba là, đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách để giúp Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, quyết định đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia và phê chuẩn quyết toán NSNN; hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực về lập và trình bày báo cáo nhằm phản ánh chính xác hơn hiệu quả và tình hình tài chính của quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100% đối với quyết toán NSNN các bộ, cơ quan Trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bốn là, tập trung kiểm toán đánh giá hiệu lực, hiệu quả cơ chế, chính sách; chú trọng phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn”, “rào cản” ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật.
Năm là, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán, theo dõi đầy đủ, thường xuyên các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục thực hiện công khai rộng rãi kết quả kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Sáu là, nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực, bảo đảm đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, trong đó tập trung phát triển đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng chuẩn mực quốc tế.
Bảy là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa KTNN với Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nâng cao chất lượng phối hợp trong công tác dự toán và quyết toán NSNN các cấp, tổ chức kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và các cấp chính quyền địa phương; cơ chế phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý.
Tám là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán phù hợp với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19./.
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh