Giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục do Kiểm toán nhà nước thực hiện

(sav.gov.vn) – Chiều 27/4/2022, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2022 “Giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục do Kiểm toán nhà nước thực hiện” do Ths. Phạm Xuân An, CN. Nguyễn Xuân Hợi đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Công tác đấu thầu nói chung, đấu thầu mua sắm trang thiết bị nói riêng không chỉ góp phần trong việc quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công trình, dự án, cơ sở được đầu tư mà còn thể hiện tính cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, tạo động lực thúc đẩy trình độ quản lý và sự phát triển của nền kinh tế. Với chức năng kiểm toán tài chính, tài sản công, thời gian qua Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện nội dung kiểm toán hoạt đông đấu thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục trong các cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, địa phương. Mặc dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên công tác kiểm toán lĩnh vực này vẫn còn có khoảng cách nhất định, đặc biệt so với yêu cầu phục vụ cho quản lý vĩ mô. Do đó, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu “Giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục do Kiểm toán nhà nước thực hiện” có ý nghĩa lý luận và ứng dụng thực tiễn cao.
 

Đề tài có kết cấu 02 chương, tổng hợp một số vấn đề lý luận và đánh giá thực trạng kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục do KTNN thực hiện; đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục của KTNN.
 
Theo nhận xét của Hội đồng nghiệm thu, đề tài có giá trị thực tiễn, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng trong quá trình kiểm toán tại các cuộc kiểm toán có nghiệp vụ  về kiểm toán đấu thầu mua sắm các trang thiết bị giáo dục; trong các cuộc kiểm toán chuyên đề mua sắm; cuộc kiểm toán  ngân sách địa phương. Tuy nhiên để để đề tài có giá trị cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài rà soát chỉnh sửa và biên tập bổ sung một số nội dung như: Chuẩn xác khái niệm "cơ sở giáo dục", rà soát tính phù hợp của việc nghiên cứu "thiết bị dạy học" so với đối tượng nghiên cứu; Bổ sung lý luận về tổ chức kiểm toán của KTNN (nội dung, các nhân tố ảnh hưởng…); Bổ sung minh họa, dẫn chứng để việc tổng kết, phân tích làm cơ sở cho các đánh giá thực trạng tổ chức kiểm toán hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục của KTNN; làm rõ phạm vi nghiên cứu của đề tài (chuyên ngành III, các khu vực… của KTNN). Ngoài ra, Ban đề tài cần rà soát các giải pháp đảm bảo cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tiễn; tương thích, phù hợp với kết quả phân tích, đánh giá thực trạng; gắn với đối tượng nghiên cứu "hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị giáo dục"; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của KTNN trên cơ sở xem lại các giải pháp về luật Đấu thầu, luật An ninh mạng, luật Công nghệ thông tin, luật Thương mại điện tử; việc xây dựng, hoàn thiện các quy định, định mức, tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng… liên quan đến công tác đấu thầu.

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét để bổ sung những vấn đề góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu để đề tài được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu.
          
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.
          
Hà Linh