Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán dự án đầu tư

Cùng với các lĩnh vực kiểm toán trọng tâm theo Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2022, lĩnh vực dự án đầu tư được Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu phải chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán, đi đôi với đó là tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro, thiếu sót, gây ảnh hưởng đến uy tín của Ngành.

Những thách thức trong kiểm soát kiểm toán dự án đầu tư

Qua thực tiễn hoạt động kiểm toán lĩnh vực dự án đầu tư cho thấy luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, đây là lĩnh vực được lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo, thường xuyên đổi mới cách thức, phương pháp kiểm toán cũng như chú trọng công tác KSCLKT.

Là lĩnh vực kiểm toán đòi hỏi chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm, lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV cho biết, các vấn đề tồn đọng, vi phạm phổ biến được phát hiện qua kiểm toán lĩnh vực này thường là công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư; lập, phê duyệt dự toán. Hầu hết dự toán của các dự án đều tính sai khối lượng, đơn giá. Đặc biệt, một số dự án áp dụng, vận dụng định mức không phù hợp làm tăng giá trị dự toán với giá trị lớn… Tuy nhiên, khi tiếp cận kiểm toán chi tiết dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác và rất dễ bỏ lọt sai sót nếu thiếu thận trọng. Chưa kể, nhiều dự án sử dụng công nghệ mới, đòi hỏi kiểm toán viên phải thường xuyên cập nhật xu hướng công nghệ, cũng như nhanh chóng nắm bắt thực tế để vận dụng trong hoạt động kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận hồ sơ, tài liệu và đưa ra đánh giá đúng đắn, chất lượng nhất. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ cho biết, hầu hết các dự án tại thời điểm kiểm toán chưa có báo cáo quyết toán; hồ sơ dự án gồm nhiều tài liệu tương ứng với nhiều giai đoạn, nhiều hạng mục, gói thầu... do nhiều nhà thầu thi công; một số công trình/hạng mục đang thực hiện dở dang nên tài liệu nghiệm thu thanh toán bị phân tán tại các bộ phận của đơn vị.

Đáng chú ý, đối với một số dự án, việc tính toán khối lượng không được thực hiện dứt điểm theo từng hạng mục mà phải thực hiện kiểm toán theo các đợt nghiệm thu thanh toán và cộng dồn tất cả các đợt thanh toán mới có kết quả, dẫn đến việc theo dõi và kiểm soát nội dung, kết quả kiểm toán của kiểm toán viên phải thực hiện liên tục và đến giai đoạn cuối cuộc kiểm toán mới tổng hợp được, từ đó dẫn đến tình trạng phải điều chỉnh kết quả kiểm toán.

Những khó khăn này cũng được đại diện lãnh đạo Vụ Chế độ và KSCLKT chia sẻ. Theo đó, trên cơ sở đặc thù của dự án và đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện cũng như phản ánh kết quả đối với kiểm toán chi phí thường dồn vào giai đoạn cuối của cuộc kiểm toán, làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán cũng như các hoạt động KSCLKT. Nguyên nhân của tình trạng này còn do việc cung cấp hồ sơ, tài liệu của đơn vị được kiểm toán thường chậm và có sự thay đổi trong quá trình kiểm toán.
 
Nhiều nội dung kiểm soát cần lưu ý

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, lãnh đạo Phòng Đầu tư dự án (Vụ Chế độ và KSCLKT) cho rằng, công tác KSCLKT cần được bố trí tập trung vào nửa sau của cuộc kiểm toán. Việc triển khai kiểm soát trực tiếp, kiểm soát đột xuất tại các đoàn, tổ kiểm toán cũng nên bố trí vào những giai đoạn sau, khi các kiểm toán viên đã thực hiện công việc một cách tương đối và có kết quả kiểm toán bước đầu. Đối với kiểm soát việc lập, điều chỉnh KHKT chi tiết của cuộc kiểm toán dự án đầu tư, các đoàn kiểm soát cần thực hiện thông qua việc đối chiếu KHKT chi tiết với KHKT tổng quát và phân tích đặc điểm của đơn vị được kiểm toán, các gói thầu, hạng mục công việc. 

Đối với hoạt động kiểm soát việc thực hiện kiểm toán và kết quả kiểm toán của kiểm toán viên, các đoàn kiểm soát cần đánh giá tính đầy đủ trong thực hiện nội dung kiểm toán. Cụ thể, cần theo dõi, đối chiếu nhật ký kiểm toán với nội dung kiểm toán được phân công và quy trình kiểm toán đối với các bước công việc để đánh giá nội dung, tiến độ công việc kiểm toán viên đã thực hiện. Để đánh giá tính chính xác, hợp lý, hợp pháp và đầy đủ cơ sở đối với kết quả kiểm toán, đoàn kiểm soát cần thực hiện thông qua theo dõi nhật ký kiểm toán, kiểm soát trực tiếp tại đoàn kiểm toán và kiểm tra hồ sơ sau khi kết thúc cuộc kiểm toán. Trong đó, tập trung vào cơ sở đưa ra kết quả kiểm toán dựa trên các bằng chứng kiểm toán, nhất là các kết quả kiểm toán còn có ý kiến không thống nhất của đơn vị được kiểm toán.

Tương tự, để đánh giá tính đầy đủ đối với kết quả kiểm toán, đoàn kiểm soát cần thực hiện thông qua phân tích báo cáo, hồ sơ, tài liệu của đơn vị được kiểm toán, các bằng chứng kiểm toán khi kiểm soát trực tiếp tại đoàn kiểm toán. Trong đó, tập trung xem xét các kết quả, các khoản mục bất thường; so sánh, đối chiếu kết quả kiểm toán tương đối giữa các tổ kiểm toán, các kiểm toán viên khi thực hiện các nội dung, hạng mục tương tự nhưng kết quả kiểm toán có sự chênh lệch lớn, xử lý không thống nhất…

Đại diện Phòng Đầu tư dự án cũng lưu ý, khi thực hiện kiểm soát chọn mẫu hồ sơ kiểm toán của các đoàn, tổ kiểm toán, cần tập trung các nội dung trọng yếu được xác định trong KHKT. Đối với các hạng mục kết cấu lớn, cần tập trung xem xét khối lượng trong đơn giá tổng hợp để có kiến nghị phù hợp; đối với các trường hợp thay đổi biện pháp thi công, thay đổi vật liệu… cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh để xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan; cần đặc biệt chú trọng kiểm soát bằng chứng kiểm toán.

Trong bối cảnh lãnh đạo KTNN yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương kiểm toán, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng kiểm toán, công tác KSCLKT sẽ tiếp tục được KTNN tăng cường. Theo đó, bên cạnh các cuộc KSCLKT theo kế hoạch, các đơn vị kiểm toán tiếp tục tăng cường kiểm soát đột xuất, kiểm soát trực tiếp. Việc kiểm soát được thực hiện theo chức năng, cũng như tăng cường kiểm soát chéo trong nội bộ đơn vị kiểm toán, trong đoàn, tổ kiểm toán và giữa các kiểm toán viên, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng kiểm toán, giảm thiểu tối đa rủi ro cũng như gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh KTNN./.

Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm tán số 18/2022)