TS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Báo cáo trước Hội đồng, Ths. Nguyễn Anh Phương cho biết, mỗi nghề nghiệp đều có những chuẩn mực đạo đức riêng, trong Ngành kiểm toán nhà nước, bộ chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành tại Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016 - Chuẩn mực kiểm toán số 30 - Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trong đó nêu rõ hành vi đạo đức của Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo uy tín của KTNN, để KTNN hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ “đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” và góp phần đưa KTNN trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc kiểm tra tài chính công, tài sản công và thực hiện phòng, chống tham nhũng tích cực, trách nhiệm. "Bất kỳ sự vi phạm nào về tư cách đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ hay bất kỳ một thái độ cư xử chưa thỏa đáng nào trong cuộc sống cá nhân của KTVNN cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính liêm chính, chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán; ảnh hưởng đến uy tín về năng lực và độ tin cậy của KTNN. Vì vậy, việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTVNN sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTVNN, của KTNN, quyết định đến sự tồn tại và phát triển của KTNN" - Ths. Nguyễn Anh Phương khẳng định.
Theo Chủ nhiệm Đề tài, qua thực tiễn gần 30 năm thành lập và phát triển của KTNN, đa phần các Kiểm toán viên luôn có tinh thần, trách nhiệm, ý thức giữ vững đạo đức, phẩm chất của người KTVNN. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận Kiểm toán viên có biểu hiện thiếu gương mẫu, thiếu ý thức, thiếu rèn luyện, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong quá trình thực thi nhiệm vụ.... Vì vậy, việc lựa chọn đề tài “Nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước” không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Từ cơ sở lý luận, thực tiễn các hoạt động kiểm toán của Ngành, các quy định của pháp luật, chuẩn mực KTNN về đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước, các quy định của ngành và kinh nghiệm của quốc tế trong hoạt động kiểm toán đã được xác định, Đề tài đã đánh giá công tác ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán qua đó chỉ rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được trình bày thành 02 chương: Chương 1 - Tổng quan về đạo đức nghề nghiệp và hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; Kết quả đạt được của công tác ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2: Giải pháp nâng cao năng lực ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.