Bế mạc Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII: Hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra

(sav.gov.vn) - Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm cao, chiều 9/5/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra.

Hội nghị đã tập trung công sức, trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, tổng kết thực tiễn, phát huy dân chủ, thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào các tờ trình, báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình có sức thuyết phục những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí cao thông qua các Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, làm rõ thêm và khái quát lại những kết quả quan trọng chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được.
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị
 
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị Trung ương lần này đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay. 
 
Đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai...
 
Trung ương nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống.
 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận sôi nổi và cho nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện "Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
 
Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
 
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
 
Về nhận thức, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. 
 
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ sở và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Quá trình thực hiện phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc về sinh hoạt đảng và lời thề của đảng viên khi vào Đảng; Phát huy thật tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và rèn luyện đảng viên; Coi trọng chất lượng phát triển đảng viên, chú trọng hơn nữa đến việc rèn luyện, bồi dưỡng quần chúng, đối tượng cảm tình đảng, trước khi vào Đảng; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.
 
Về hành động, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà nghị quyết lần này của trung ương đã đề ra. Xác định rõ những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt của đảng bộ, chi bộ; bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên các cấp...
 
Để thực hiện thành công mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Ban Tổ chức Trung ương và các ban Đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc ở trung ương cần sớm có hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các tỉnh, thành ủy, các đảng bộ trực thuộc trung ương phải thực sự năng động, chủ động cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết của trung ương đã đề ra, sao cho thật sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của địa phương mình, ngành mình, cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt là từng cơ sở đảng phải đề ra và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với cơ sở mình. 
 
Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
 
Về Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với báo cáo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021.
 
Thống nhất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như đã nêu trong đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!".
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thành công của Hội nghị Trung ương ngoài sự nỗ lực tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm của các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan và cán bộ tham mưu, còn có phần đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, đặc biệt là các đồng chí cán bộ lão thành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người luôn luôn quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho công việc chung của Đảng và Nhà nước.
 
Tổng bí thư tin tưởng rằng, với thành công của Hội nghị và với truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
 
Ngọc Bích