Báo cáo kiểm toán (BCKT) là sản phẩm cuối cùng của quá trình kiểm toán, chứa đựng những thông tin quan trọng về nội dung đã kiểm toán và được gửi đến đối tượng kiểm toán, các cơ quan liên quan. Với vai trò quan trọng đó, việc xây dựng, hoàn thiện dự thảo BCKT luôn được KTNN chú trọng để đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi chính thức phát hành.
Đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng kiểm toán
Theo Luật KTNN hiện hành, BCKT của KTNN là văn bản do KTNN lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán. BCKT có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì thế, việc lập, thẩm định, hoàn thiện BCKT có vị trí quan trọng trong quá trình kiểm toán.
Hai nguyên tắc cơ bản khi lập BCKT là tuân thủ theo hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, tuân thủ hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán và dựa trên cơ sở bằng chứng kiểm toán, các tài liệu có liên quan. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, qua thẩm định, cũng như tổng hợp BCKT từ các đơn vị cho thấy, bên cạnh những phát hiện, kiến nghị quan trọng, các đơn vị kiểm toán đã cơ bản tuân thủ quy trình, mẫu biểu kiểm toán, thể hiện thông qua các BCKT được trình bày mạch lạc, khoa học; công tác phối hợp trong lập, thẩm định, hoàn thiện dự thảo BCKT ngày càng được các đơn vị thực hiện tốt hơn.
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng BCKT, KTNN đã quan tâm rà soát, sửa đổi và ban hành quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành BCKT (Quyết định số 01/2022/QĐ-KTNN ngày 18/3/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước). Theo đánh giá của các đơn vị kiểm toán, các quy định được sửa đổi ngày càng phù hợp với thực tiễn, thể hiện tính công khai, minh bạch của KTNN trong hoạt động kiểm toán.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết, thời gian qua, KTNN cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống mẫu biểu. Hiện nay, mẫu BCKT đã thể hiện tương đối đầy đủ, khoa học giữa 3 phần: Đánh giá, kết luận kiểm toán và kiến nghị kiểm toán. Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán khi lập dự thảo BCKT phải có trách nhiệm tuân thủ mẫu BCKT tại hệ thống mẫu biểu kiểm toán cả về kết cấu, nội dung BCKT, lẫn tính hợp lý, chặt chẽ trong trình bày báo cáo.
Từ thực tiễn kiểm toán, một số kiểm toán viên KTNN khu vực I vừa tham gia Đoàn kiểm toán chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực chống dịch Covid-19 cho biết, việc áp dụng mẫu BCKT theo mẫu biểu để hoàn thiện dự thảo BCKT hiện nay khá thuận lợi cho cả đoàn kiểm toán, kiểm toán viên lẫn các đơn vị tham gia cho ý kiến hoàn thiện. Do có sự định hướng từ sớm của lãnh đạo đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán nên ngay trong quá trình triển khai, các kiểm toán viên đã ý thức về việc chuẩn bị sẵn những nội dung theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-KTNN và bám sát chuẩn mực, mẫu biểu kiểm toán, đặc biệt là mẫu biểu về BCKT để phục vụ cho công tác tổng hợp chung của cuộc kiểm toán trong toàn Ngành.
Tuân thủ nghiêm quy trình lập, thẩm định, xét duyệt BCKT
Để đảm bảo tính chính xác, khách quan trong thông tin của BCKT, việc tuân thủ các quy trình lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành BCKT là yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mỗi cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán. Theo đó, bên cạnh việc quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì kiểm toán trong việc lập dự thảo BCKT, KTNN cũng quy định trách nhiệm lấy ý kiến đối với đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các đơn vị tham mưu trong việc thẩm định dự thảo BCKT.
Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh - Viện trưởng Viện Kế toán - kiểm toán (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc quy định trách nhiệm của đơn vị chủ trì kiểm toán phải lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán về dự thảo BCKT thể hiện sự minh bạch và trách nhiệm của KTNN, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán có thể được thực hiện nhờ sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán. Các quy định về vấn đề này được đặt ra rất cụ thể, rõ ràng, trong đó, đối với trường hợp không tiếp thu được đầy đủ các ý kiến, đơn vị kiểm toán phải lập báo cáo giải trình với từng ý kiến tham gia của đơn vị được kiểm toán để báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định và tổ chức hội nghị để thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị.
Là một trong những đơn vị được giao tổ chức thẩm định dự thảo BCKT trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức xét duyệt, đại diện Vụ Tổng hợp cho biết, BCKT từ lúc lập đến khi hoàn thiện trải qua quy trình thẩm định chặt chẽ ở từng khâu, với sự tham gia của nhiều cơ quan. Cụ thể, đơn vị chủ trì kiểm toán khi lập dự thảo BCKT phải thể hiện đầy đủ bằng chứng kiểm toán và kết quả kiểm toán; thảo luận, lấy ý kiến thành viên đoàn kiểm toán đối với dự thảo BCKT. Khi thẩm định dự thảo BCKT, Vụ Tổng hợp sẽ tập trung vào kết quả thực hiện mục tiêu, trọng yếu, nội dung, phạm vi, giới hạn kiểm toán; việc tuân thủ các quy định chung về BCKT. Trong khi đó, Vụ Pháp chế sẽ thẩm định tính pháp lý của dự thảo BCKT, như tính hợp pháp của các đánh giá, kết luận, kiến nghị; viện dẫn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong kết luận, kiến nghị kiểm toán. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán sẽ thẩm định tính tuân thủ các quy định về hồ sơ, mẫu biểu; bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp với các đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong dự thảo BCKT…
Nhấn mạnh đây là thông lệ chung được nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới áp dụng, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, trong Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành BCKT được ban hành năm 2022 có điểm mới so với quy định trước đây, đó là bổ sung hình thức xét duyệt dự thảo BCKT trực tuyến, bên cạnh hình thức trực tiếp. Đây là thay đổi cần thiết, trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động như dịch bệnh vừa qua, đồng thời phù hợp với xu thế số hóa hiện nay./.
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 19/2022)