Bảo vệ môi trường (BVMT) tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là một trong những nội dung quan trọng của kiểm toán môi trường (KTMT) nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán này, KTNN cần lưu ý 3 nhóm giải pháp quan trọng.
Môi trường - lĩnh vực trọng tâm của Kiểm toán nhà nước
Theo nghiên cứu của CN. Đỗ Anh Duy và ThS. Lê Hoài Phương (KTNN chuyên ngành III) với chủ đề “Hoàn thiện công tác kiểm toán hoạt động BVMT tại các KCN, KKT”, các KCN, KKT luôn là điểm “nóng” về môi trường. Do đó, hoạt động BVMT tại các KCN, KKT được KTNN chú trọng. Giai đoạn 2018-2021, KTNN đã triển khai 8 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có các cuộc kiểm toán công tác quản lý, BVMT tại các KKT, KCN, nhà máy nhiệt điện. Riêng năm 2021, có 21 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính lồng ghép yếu tố môi trường tại các KCN, KKT. Việc triển khai các cuộc kiểm toán này dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã thu được những kết quả quan trọng làm cơ sở để KTNN đưa ra các kết luận, kiến nghị nhằm BVMT và phát triển bền vững.
Nổi bật như, kết quả kiểm toán việc quản lý và xử lý nước thải KCN Khánh Phú tỉnh Ninh Bình (năm 2017) và kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các KCN tại tỉnh Bắc Ninh (năm 2018) cho thấy, chất lượng nước thải không ổn định, có nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định. Một số nhà máy hoạt động trong một thời gian dài nhưng không có giấy phép xả thải, không duy tu, bảo dưỡng hệ thống thu gom và thoát nước, không thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ... Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Ban quản lý KCN chưa chặt chẽ, không phát hiện kịp thời và ngăn ngừa triệt để hành vi vi phạm về BVMT; nhiều văn bản ban hành còn hạn chế. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường KCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa có sự chủ động, làm giảm tính hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.
Năm 2020, thông qua kiểm toán công tác BVMT tại KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đoàn kiểm toán nhận thấy, quy chế phối hợp BVMT trong KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp với các văn bản quy định hiện hành. Công tác phối hợp giữa Sở TN&MT, Ban quản lý và UBND thị xã Nghi Sơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn còn hạn chế. Tỷ lệ cơ sở có vi phạm quy định về BVMT rất cao với trên 120 hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Sở TN&MT và Ban quản lý KKT chưa kịp thời báo cáo với các cơ quan thẩm quyền và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời chưa có biện pháp để giám sát, theo dõi tình hình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức, triển khai kiểm toán công tác BVMT tại các KCN, KKT vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Khi thực hiện kiểm toán, sự hạn chế trong trao đổi thông tin là một trong những nguyên nhân khiến việc phối hợp công tác giữa KTNN và các đơn vị được kiểm toán chưa đạt như kỳ vọng. Hơn nữa, số lượng, quy mô, loại hình sản xuất của DN trong các KCN, KKT rất đa dạng nên KTV gặp không ít thách thức khi xác định tiêu chí và phương pháp tiếp cận kiểm toán. Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi KTV cần có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về nhiều mặt. Ngoài ra, việc Luật KTNN chưa có quy định cụ thể về KTMT và chưa quy định rõ môi trường có được coi là tài sản công để kiểm toán hay không cũng khiến hoạt động kiểm toán môi trường tại các KCN, KKT gặp khó khăn.
3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán
Để giải quyết các khó khăn, hạn chế nêu trên, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán công tác BVMT tại các KCN, KKT, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Trước tiên, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KTMT là yếu tố tiên quyết. Mặc dù Luật BVMT 2020 đã quy định KTNN thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường nhưng quy định này vẫn chưa cụ thể. Vì vậy, việc xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật BVMT 2020 phải cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của KTNN nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong đó cần nhấn mạnh môi trường là tài sản công và thuộc thẩm quyền, phạm vi kiểm toán của KTNN. Cùng với đó, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động trong lĩnh vực KTMT (chuẩn mực, quy trình thực hiện, mẫu biểu hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường); các quy định về kiểm tra, đối chiếu, quan sát hiện trường, xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT tại các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
Thứ hai, KTNN cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho KTV. Đặc thù của KTMT đòi hỏi KTV cần có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực (quy hoạch, quản lý chất thải, quản lý nước thải…). Vì vậy, KTNN cần phân loại kiến thức, kỹ năng theo từng nhóm KTV để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phù hợp; xây dựng tiêu chuẩn KTV thực hiện KTMT, đồng thời, đây cũng là căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo yêu cầu thiết thực với từng loại đối tượng. Nội dung đào tạo bao gồm bồi dưỡng kiến thức cơ bản về môi trường, BVMT và hướng dẫn kỹ năng thực hành kiểm toán, áp dụng các kinh nghiệm kiểm toán quốc tế để xây dựng, đổi mới giáo trình đào tạo.
Thứ ba, hoàn thiện yếu tố kỹ thuật trong hoạt động KTMT thông qua việc ban hành quy trình, văn bản hướng dẫn kiểm toán công tác BVMT tại các KCN, KKT dựa trên Hướng dẫn KTMT đã có, bao gồm: Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, hệ thống mẫu biểu hồ sơ. Cùng với đó, KTNN cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất cho KTV thực hiện KTMT tại các KCN, KKT. Cơ sở dữ liệu bao gồm các thông tin như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; bộ máy quản lý, cơ cấu tổ chức, hệ thống kiểm soát nội bộ, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; hệ thống báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường; tình hình quản lý và sử dụng các nguồn tài chính công, tài sản công phục vụ hoạt động BVMT hằng năm; các thông tin, số liệu, dữ liệu về hoạt động kiểm toán cùng nội dung của KTNN./.
Thùy Lê
(Báo Kiểm toán số 19/2022)