Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ trình UBTVQH phân bổ 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 50.000 tỉ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 18.000 tỉ đồng; chương trình xây dựng nông thôn mới 27.000 tỉ đồng. Chính phủ đề nghị phân bổ 95.000 tỷ đồng, chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự kiến phương án phân bổ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 CTMTQG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đến ngày 19/4/2022, Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các Bộ, ngành, địa phương, gây lãng phí nguồn lực của quốc gia. “Đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ giải trình, làm rõ việc phân bổ kế hoạch trung hạn 95.000 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện các nội dung, nhiệm vụ thuộc 3 CTMTQG đã đủ thủ tục, cơ sở để triển khai tổ chức thực hiện theo quy định. Đối với số chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đề nghị Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sớm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường yêu cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp
Đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, việc Chính phủ trình UBTVQH phân bổ vốn đầu tư công mà không đề cập đến phân bổ vốn sự nghiệp trung hạn là đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong thực tiễn đã và đang thực hiện đúng quy định, phân bổ vốn sự nghiệp (thuộc chi thường xuyên) trong dự toán NSNN hàng năm và xem xét kế hoạch ngân sách 3 năm. Vì vậy, Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ trình UBTVQH phân bổ vốn 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, ngành, địa phương làm cơ sở cho việc phân bổ dự toán đầu tư công hàng năm của 3 CTMTQG.
Về phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022, Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng nguồn vốn năm 2022 của 3 CTMTQG là 34.049 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất chỉ phân bổ 33.384 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022, còn lại 665 tỷ đồng giao Chính phủ quyết định.
Đa số ý kiến Ủy ban TCNS cho rằng, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; quyết định nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện CTMTQG của từng CTMTQG nên đã đủ cơ sở pháp lý để phân bổ vốn theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công. Do vậy nhất trí với phương án phân bổ vốn Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng phương án phân bổ toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2022 của 3 CTMTQG (665 tỷ đồng) và báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo đúng quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Qua thảo luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan vì sao chậm phân bổ vốn cho 3 CTMTQG. UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung này vào chương trình giám sát năm 2023.
Theo Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Nghị quyết của Quốc hội với 3 CTMTQG dã ban hành cách đây 1,5 năm, nhưng tới nay Chính phủ và các cơ quan, Bộ, ngành vẫn chưa giải ngân được. Việc phân bổ chi tiết cho các dự án thuộc chương trình phải trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch phân công tổ chức triển khai thật rõ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. “Đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của sự chậm trễ và trách nhiệm của các cơ quan để báo cáo Quốc hội. Chậm ở đâu, Bộ ngành, địa phương nào? Bộ. ngành, địa phương nào thực hiện yếu kém thì quy trách nhiệm, kiểm điểm” – Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cho ý kiến về nội dung nàyChủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: 3 CTMTQG có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, tác động rộng lớn tới đối tượng thụ hưởng. Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 5 đã tiếp tục bàn về vấn đề tam nông, trong đó nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi là hết sức quan trọng. Nhưng hiện Chính phủ hành động rất chậm, cần đánh giá, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm trễ ở đâu, do ai?
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Công việc giờ đã chậm thì phải làm nhanh, song “chậm rồi thì phải chắc, nhanh nhưng phải đúng” về mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra. “cứ đúng Nghị quyết mà làm, không nhân nhượng, không vi phạm nguyên tắc. Cái nào không rõ, giải trình không thỏa đáng thì để lại, không phân bổ lần này" – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc dự định lựa chọn giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội về việc thực hiện 3 CTMTQG nhằm đổi mới, cải tiến, không chỉ hậu kiểm mà giám sát ngay trong quá trình tổ chức triển khai mới có tác dụng trực tiếp, mới tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có khi tổ chức triển khai các nội dung quan trọng này. “Đề nghị các Bộ, ngành, các cấp quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với 3 CTMTQG” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về mặt nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện 3 CTMTQG, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến để phân bổ theo đúng nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không phân tán dàn trải hoặc chồng chéo./.
Khánh Vy