Tọa đàm “Phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán - Thực trạng và những vấn đề đặt ra”
(sav.gov.vn) - Sáng 19/5/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Tọa đàm “Hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động kiểm toán của KTNN - thực trạng và vấn đề đặt ra”. GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì Tọa đàm.
Nội dung Tọa đàm thuộc Đề tài Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”.
Tham dự Tọa đàm còn có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Ban Nội chính Trung ương, Học viện Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của KTNN.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, Cơ quan Kiểm toán tối cao có vai trò rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN phát hiện và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, KTNN kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, lãng phí thông qua việc công bố các kết quả kiểm toán.
Thời gian qua, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý nhiều vụ việc theo quy định pháp luật; cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế cho thấy, hoạt động kiểm toán của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán chưa được đánh giá rõ ràng dựa trên những tiêu chí cụ thể; nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. “Vì vậy, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, Tọa đàm sẽ tập trung thảo luận để làm rõ các vấn đề về lý luận và tìm kiếm các giải pháp để khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN” – GS.TS. Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá, hiện nay, vị trí, vai trò của KTNN trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng được nâng cao, thể hiện qua các số liệu kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước; các kiến nghị, sửa đổi, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Hoạt động kiểm toán của KTNN đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí chịu tác động của nhiều nhóm yếu tố, như: Pháp lý và hệ thống pháp luật của quốc gia, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, tổ chức. Việc nhận thức rõ và đúng các yếu tố trên có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Các đại biểu cũng cho rằng cần thiết phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí của hoạt động kiểm toán. Đồng thời, cần tổ chức đánh giá hiệu lực, hiệu quả cho các cuộc kiểm toán, các hoạt động kiểm toán hàng năm hay trong một giai đoạn dựa trên hệ thống các tiêu chí đã được xây dựng.
Theo các đại biểu, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, KTNN cần có quyết tâm chính trị cao trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý và nâng cao tính pháp lý trong hoạt động kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường bồi dưỡng và nâng cao sự liêm chính cho Kiểm toán viên, sự công khai minh bạch của cơ chế kinh tế; nâng cao giá trị văn hóa và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói riêng; tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các mô hình tổ chức cuộc kiểm toán để mở rộng khả năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát triển các phương pháp kiểm toán để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên cảm ơn các bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu thảo luận đồng thời khẳng định, các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm sẽ được Ban đề tài nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện công trình nghiên cứu cấp quốc gia do KTNN chủ trì./.