Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra theo hình thức họp tập trung cả kỳ, dự kiến trong 19 ngày làm việc, từ 23/5 đến 16/6/2022. Sau 2 năm do tác động của đại dịch COVID-19 nhiều kỳ họp của Quốc hội đã phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Phạm Thế Duyệt; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm. Cùng dự phiên khai mạc có các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và Lãnh đạo các địa phương; các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; các đại biểu, Đại sứ, Đại diện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong gần một năm qua, Quốc hội khóa XV đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quốc hội đã tiến hành có chất lượng 02 kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường với những đổi mới cả tư duy và phương thức hoạt động; xem xét, thông qua 03 Luật, 45 Nghị quyết, chất lượng được nâng cao, có nhiều quy định chưa có tiền lệ nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt và cho cả mục tiêu phát triển nhanh và bền vững lâu dài.
Sau Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 5 phiên họp thường kỳ, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc ngày, đêm để tập trung chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ Ba này; đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp; chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với Chủ tịch Nước, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và cử tri, trân trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội, đồng thời phấn đấu tiết giảm được tối đa thời gian của kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Tại phiên họp trù bị, các đại biểu đã nhất trí rất cao 100% thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong thời gian của kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng, cụ thể:
Về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước: Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm (NSNN) 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2022; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất về các báo cáo, tờ trình của Chính phủ. Đối với đánh giá bổ sung năm 2021, cần tập trung vào những vấn đề lớn, có thay đổi nhiều so với báo cáo Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác phân tích, dự báo, dự toán NSNN... Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, đề nghị Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid - 19 năm 2022, về các kế hoạch 05 năm 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo của Kiểm toán nhà nước. Theo quy định pháp luật hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán NSNN sau khoảng 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc.
Về công tác lập pháp: Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu 6 dự án Luật, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung vào những nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng của các dự án Luật; phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách, và các nội dung cụ thể của các điều khoản trong các dự án Luật, làm cơ sở để tiếp tục hoàn chỉnh các dự án, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc
Về hoạt động giám sát tối cao: Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Về giám sát chuyên đề, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Trên cơ sở kết quả giám sát, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, vướng mắc, hạn chế trong bản thân hệ thống pháp luật về quy hoạch và công tác tổ chức thực hiện, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu và giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; xem xét ban hành Nghị quyết để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trước mắt để thúc đẩy tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đồng thời cho ý kiến về chủ trương tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và pháp luật liên quan đến quy hoạch vào thời điểm phù hợp.
Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đúng và trúng những vấn đề Nhân dân và cử tri quan tâm; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng vấn đề, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia: Quốc hội sẽ xem xét, quyết định Chủ trương đầu tư 5 Dự án hạ tầng giao thông quan trọng: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây đều là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét: Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29.11.2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020 - 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Một số báo cáo khác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, xem xét cẩn trọng và toàn diện, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, đề xuất những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV./.
Ngọc Bích