Rà soát Chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 23/5/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã chủ trì buổi họp “Rà soát Chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước” do Trường Đào tạo & Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT&BDNVKT) tổ chức. Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Trần Kim Lộc, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đức Lâm cùng các thành viên trong tổ rà soát tham gia buổi họp.

Trình bày Dự thảo báo cáo rà soát Chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, Phó Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT Hà Minh Tuấn cho biết, hiện tài liệu bồi dưỡng của KTNN hiện hành gồm 31 Chương trình, được ban hành trên cơ sở Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 về đào tạo, bồi dưỡng công chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống chương trình, tài liệu được xây dựng thành các cấp độ phù hợp từ vấn đề cơ bản đến chuyên môn sâu hợp với tuổi nghề, trình độ và vị trí công việc của công chức, viên chức trong ngành.

Năm 2020, KTNN đã tổ chức rà soát lại hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả có 16 chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN có thời lượng chưa phù hợp với Nghị định 101/2017/NĐ-CP.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định chi tiết về thời lượng đào tạo các chương trình, tài liệu có thay đổi so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP; quy định thời gian ban hành của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sửa đổi trước 01/7/2022.

Từ thực trạng trên, Trường ĐT&BDNVKT đã tổ chức rà soát, đánh giá lại các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN để đảm bảo khung chương trình quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP để báo cáo Lãnh đạo KTNN. Kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số 31 Chương trình đã ban hành, có 20 Chương trình có thời lượng đào tạo, bồi dưỡng vượt quá so với quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ. Do vậy, Trường ĐT & BDNVKT định hướng chỉnh sửa một số nội dung theo đúng quy định.

Cụ thể, đối với Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, đề xuất chỉnh sửa 02 Chương trình cấp độ 1 và 02 vào 01 Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên (KTV) theo đúng quy định với thời lượng là 160 tiết (4 tuần); tách một số chuyên đề của cấp độ 1 và 2 để xây dựng một số chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn dùng chung làm nền tảng cho học viên trước khi tham gia chương trình bồi dưỡng ngạch KTV. Các chương trình này thuộc nhóm chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ và thời lượng mỗi chương trình 40 tiết (1 tuần).

Đối với các Chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nhiều nội dung của các chuyên đề thuộc các chương trình bồi dưỡng này không còn phù hợp và hạn chế về các thông tin mới do sự phát triển của KTNN, đặc biệt việc thay đổi của các văn bản Nhà nước, hướng dẫn kiểm toán của Ngành...Vì vậy, để bổ sung, chỉnh sửa phải tập trung nhân lực tập trung trong thời gian dài. Trong khi đó, để đảm bảo thời lượng bồi dưỡng theo đúng quy định và đảm bảo tiến độ hoàn thành trước 01/7/2022, Trường đề xuất định hướng chỉnh sửa là giữ nguyên các chuyên đề, chỉ giản lược thời gian các chuyên đề/môn học đảm bảo thời lượng Chương trình bồi dưỡng là 40 tiết (5 ngày). Đề xuất bổ sung thêm chuyên đề kinh nghiệm kiểm toán quốc tế đã được Hội đồng thẩm định năm 2021 vào các Chương trình bồi dưỡng, gồm chuyên đề kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường vào Chương trình bồi dưỡng kiểm toán môi trường; chuyên đề kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán hoạt động vào Chương trình khóa học căn bản về kiểm toán hoạt động và chuyên đề kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán chuyển giá bổ sung vào chương trình bồi dưỡng kiểm toán thuế. Tiếp tục rà soát chỉnh sửa, bổ sung Chương trình, Tài liệu bồi dưỡng để phù hợp với thực tiễn và chiến lược phát triển của Ngành trong những năm tiếp theo.

Đối với Chương trình bồi dưỡng kiến thức đầu tư dành cho khối kinh tế và Chương trình bồi dưỡng kiến thức về tài chính - kế toán cho khối kỹ thuật, do 02 Chương trình có thời gian bồi dưỡng tương đối dài, vượt số tiết nhiều so với quy định nên việc cắt giảm thời lượng mà vẫn giữ nguyên các chuyên đề là không phù hợp dẫn đến chất lượng bồi dưỡng sẽ không hiệu quả. Hơn nữa, 02 chương trình này được thiết kế thành các modul nên Trường đề xuất sẽ tách thành các chương trình riêng, tương ứng với mỗi Modul là 01 chương trình bồi dưỡng mà vẫn đảm bảo lượng kiến thức theo mục tiêu bồi dưỡng ban đầu khi xây dựng chương trình này.

Cũng theo Ông Tuấn, để kịp phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng 6 tháng cuối năm 2022 và xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN năm 2023, đảm bảo thời gian ban hành các chương trình trước ngày 01/7/2022 theo quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP, Trường ĐT&BDNVKT đề xuất một số giải pháp thực hiện: Giao Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định bổ sung Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022 của KTNN đối với nhiệm vụ rà soát điều chỉnh Chương trình bồi dưỡng; Thành lập Ban rà soát và Hội đồng thẩm định; Bổ sung kinh phí liên quan đến việc cắt giảm thời lượng chương trình.

Tại buổi họp, các thành viên trong tổ rà soát của Trường ĐT & BDNVKT đã trao đổi, đóng góp một số nội dung để hoàn thiện Dự thảo báo cáo rà soát chương trình đào tạo, bồi dưỡng...

Phát biểu kết luận tại buổi họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cơ bản nhất trí với các ý kiến đóng góp và các nội dung trong Dự thảo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình đào tạo, bồi dưỡng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đây là chương trình lớn và quan trọng của Ngành trong năm 2022, trong quá trình nghiên cứu, rà soát tài liệu, Trường ĐT&BDNVKT cần có định hướng cụ thể, bên cạnh việc đảm bảo khung pháp lý theo Nghị đinh 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ, nội dung điều chỉnh, bổ sung phải phù hợp với thực tiễn của Ngành và phải bám sát kinh nghiệm trong những năm qua; xem lại những mặt ưu điểm và nhược điểm của chương trình, từ đó biên soạn lại nội dung đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng đào tạo. Không nên đào tạo lại những nội dung đã có trong các trường Đại học; nội dung đào tạo nên chia theo từng cấp độ (từ cơ bản đến nâng cao); cân đối bổ sung kinh phí sao cho phù hợp với việc cắt giảm thời lượng chương trình… Tổng hợp kết quả rà soát báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trước ngày 01/7/2022.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, ông Trần Kim Lộc, Phó Giám đốc Trường ĐT&BDNVKT cho bết, Trường sẽ tiếp tục triển khai rà soát các nội dung từ ngày 15 - 20/6/2022, trước 01/7/2022 có kết quả rà soát báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán theo quy định tại Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ./.

Thanh Trang