Cần nghiên cứu, tham khảo Luật Kiểm toán nhà nước trong quá trình hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi)

(sav.gov.vn) – Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thanh tra sửa đổi.

Phát biểu cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ tại phiên thảo luận ở Tổ 12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành với các nguyên tắc, quan điểm sửa đổi Luật Thanh tra (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng thời, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để Luật Thanh tra (sửa đổi) quán triệt và cụ thể hóa tối đa chủ trương đường lối của Đảng về công tác thanh tra, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 trong đó có chức năng, nhiệm vụ Thanh tra, cũng như kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và các tổ chức thuộc đối tượng thanh tra; khắc phục những hạn chế, bất cập đã chỉ ra sau tổng kết thi hành.

Về hệ thống cơ quan Thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan Thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục giữ mô hình thanh tra 3 cấp đồng thời, tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện bởi cấp huyện là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ về thành lập Thanh tra Cục, Tổng cục thuộc Bộ, Thanh tra Sở, thành lập cơ quan thanh tra để thực hiện thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước. Đồng thời đề nghị cần có thêm quy định về tiêu chí, nguyên tắc thành lập và định hướng lớn, làm cơ sở cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quyết định; có rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm không chồng chéo.

Cho ý kiến về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, tham khảo Luật Kiểm toán nhà nước trong quá trình xây dựng. “Dù thanh tra và Kiểm toán nhà nước là khác nhau, chức năng khác nhau nhưng đều có chung yêu cầu về bảo đảm công khai, minh bạch” – Chủ tịch Quốc hội nói. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần phân định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước với trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và từng thành viên trong Đoàn thanh tra; đảm bảo từng chủ thể thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là những nội dung Luật cần cụ thể hóa, tránh can thiệp, ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết luận thanh tra và phòng ngừa sơ hở, tiêu cực.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên thảo luật tại Tổ 19

Phát biểu ý kiến liên quan đến công tác phối hợp và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong quá trình hoạt động, Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, rà soát rất kỹ lưỡng nên dù chưa tuyệt đối song đã hạn chế tối đa việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, ngân sách Nhà nước là ngân sách lồng ghép. Một việc có thể chi từ nhiều nguồn như nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa, nên không thể tránh được chuyện chồng chéo. “Bản thân ngân sách đã chồng chéo, trùng lặp, đương nhiên khi kiểm tra theo nguồn, theo chủ thể sẽ chồng chéo. Vì vậy chỉ có thể phối hợp xử lý để hạn chế tối đa chồng chéo” - Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh tán thành phương án giữ nguyên quy định về thanh tra cấp huyện. Bởi thực tế tại cơ sở cho thấy, thanh tra huyện phải đảm nhận rất nhiều việc như giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng... Nếu không có lực lượng này thì sẽ không có người giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra cấp huyện sẽ là bộ phận tham mưu, vừa tiếp dân, vừa xử lý đơn, vừa là đầu mối giải quyết ban đầu. Nếu thanh tra huyện làm tốt thì sẽ tránh được khiếu nại, tố cáo nên cấp tỉnh và Trung ương.

Trao đổi về quy định về thời hạn thanh tra, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng để thuận lợi cho đối tượng thanh tra, tránh tình trạng có những cuộc thanh tra kéo dài mà chưa ban hành kết luận thanh tra. “Dự thảo Luật cần quy định, từ khi quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra là bao nhiêu ngày, giống như quy định thời hạn thực hiện cuộc kiểm toán của KTNN” – Tổng Kiểm toán nhà nước đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận./.

M. Thúy