Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 26/5/2022, Tổ 1 thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
đã thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung trong dự thảo luật như: Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quy định về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh; các chức danh nghề nghiệp cần được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; việc sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam; hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, các đại biểu đánh giá cao công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân những năm qua, trong đó, lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh; một số dịch bệnh mới được ngăn chặn, khắc phục nhanh; mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở đã được củng cố và phát triển; nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp, nhiều kỹ thuật y học cao được áp dụng. Bên cạnh đó chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai thực hiện. Những thành tựu đó là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị, trong đó có vai trò rất lớn của ngành y tế.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.
Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể tại Dự thảo luật về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh gắn liền với nâng cao chất lượng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nghiên cứu bổ sung và làm rõ các quy định về: Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; quy định sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh phi lợi nhuận; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, dịch vụ kỹ thuật cao; phát triển y tế cơ sở; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và một số vấn đề khác có liên quan.
Bày tỏ đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 với những công việc mới, khó, chưa từng có tiền lệ, vai trò của hệ thống chính sách, pháp luật trong hệ thống y tế đặc biệt quan trọng. Mặc dù hệ thống pháp liên tục được hoàn thiện nhưng dịch, bệnh đã chỉ ra không ít bất cập, hạn chế trên thực tế. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15 trao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ từng nhiệm vụ cụ thể cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết những vấn đề có thể chưa có quy định trong luật để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân. Đại biểu cho rẳng, đây là việc chưa từng có tiền lệ, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời đặt ra tính cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế. Do đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, quy định trong dự thảo Luật đã thay đổi căn bản hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Để đảm bảo sự thống nhất hệ thống y tế, đại biểu cho rằng cần có quy định về nguyên tắc làm cơ sở để sắp xếp lại hệ thống các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Trong đó cần làm rõ phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương với các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên nguyên tắc trừ các bệnh viện do Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khác chịu sự quản lý của địa bàn.
Nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành nêu rõ, đây là dự án Luật quan trọng, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Dự án Luật đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trong tình hình mới.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu nêu ý kiến: Cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân tại dự án Luật.
Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về một số vấn đề như hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề; xã hội hoá công tác khám chữa bệnh...
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ nêu rõ, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ về hình thức tổ chức, tính chất cũng như thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Bên cạnh đó, theo Quyết định 956/QĐ-TTg năm 2020 thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia cho thấy người đứng đầu Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế, thành viên Hội đồng là đại diện của các cơ quan, cơ bản đều hoạt động kiêm nghiệm.
Đặt vấn đề nếu dự thảo Luật giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề có phù hợp với năng lực, khả năng cũng như tính chất hoạt động hay không, đại biểu cho rằng Hội đồng Y khoa Quốc gia nên được giao những nhiệm vụ như tư vấn, xây dựng thể chế, chính sách về y tế để khám bệnh, chữa bệnh cũng như giải quyết các vấn đề chuyên môn hơn là được giao những nhiệm vụ mang tính thủ tục hành chính như quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung quyền khiếu nại, khiếu kiện của người bệnh đối với cơ sở khám bệnh theo hướng “căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám, chữa bệnh” chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo.
Cũng có ý kiến cho rằng, nội dung liên quan đến khám, chữa bệnh từ xa quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa cụ thể trong khi thực tiễn hoạt động này diễn ra vô cùng đa dạng, phong phú. Do đó, các cơ sở y tế thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh từ xa cần có Giấy phép hoạt động riêng, không thể sử dụng giấy phép như các cơ sở khám, chữa bệnh thông thường, quy trình khám, chữa bệnh từ xa cũng cần được luật hoá vì có những đòi hỏi, yêu cầu khác với hoạt động khám, chữa bệnh thông thường.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, vì mục tiêu phát triển con người; các đại biểu thống nhất việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này là cần thiết với quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm./.