Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5/2022, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm và tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đã được quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm, với 246 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và Hội trường; 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; 54/63 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia về dự án Luật.

UBTVQH nhận thấy, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; thuận lợi trong quản lý Nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường bảo hiểm; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật, những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 154 điều, giảm 01 chương và 03 điều, có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 07 điều, bãi bỏ một số quy định tại 09 điều và giữ nguyên 33 điều. “Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”- ông Vũ Hồng Thanh nói.

Sau báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận tại Hội trường. Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: Kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về hai vấn đề còn ý kiến khác nhau về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan và về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, UBTVQH đồng tình với phương án 2, Giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đồng thời, tiếp tục quy định về việc áp dụng Bộ luật Dân sự và áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Điều 15 của dự thảo Luật; bổ sung nguyên tắc áp dụng tập quán quốc tế đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài; chỉnh sửa tên điều thành áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế.

Về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, UBTVQH tán thành phương án 1, bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ. Đây là phương án Chính phủ trình UBTVQH tại phiên họp thứ 3 vào tháng 9/2021. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát biểu rõ ràng ý kiến, quan điểm của mình về các vấn đề các đại biểu quan tâm.
 
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu tại phiên họp

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết: Đối với chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu kiến nghị cần làm rõ đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, đồng thời nêu quan điểm, việc ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp, vì vậy, nếu không xác định rõ đối tượng, mục đích, ý nghĩa khuyến khích, tạo điều kiện một cách thuyết phục thì không nên giữ quy định này.

Đối với chính sách tạo điều kiện cho việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đại biểu cho rằng đây là quy định đúng đắn, giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Vì mục tiêu an sinh xã hội, khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, việc Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội là rất cần thiết.

Về hợp đồng bảo hiểm, đại biểu cho rằng cần xem xét thống nhất các thuật ngữ sử dụng khi ban hành quy tắc bảo hiểm, thông tin giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, ký kết hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Cần quy định chặt chẽ các nội dung để hạn chế “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”. Theo đại biểu, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu giải trình, chỉnh lý rất kỹ tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua kỳ họp này đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra khi sửa đổi. Đó là, tăng cường trao quyền cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Dự thảo Luật cũng quy định theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phép tự chủ hơn và như vậy sẽ đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tăng cường hoạt động giám sát của mình. Chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao cùng với các yêu cầu rất khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn, về công bố thông tin cũng như là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa hoạt động và các giao dịch của mình.

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế. Do đó đại biểu đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất, tương tự như quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

Về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm tại Điều 111a, đại biểu nhất trí với phương án quy định về Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, bỏ quy định về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu đề nghị chỉnh sửa điểm c khoản 4 Điều 9 theo hướng là cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp phát.

Về hạn chế hợp đồng bảo hiểm mồ côi, đại biểu cho biết hiện nay chưa có đánh giá thực tế về hiện trạng hợp đồng mồ côi trong khi đây là một loại hợp đồng số lượng rất lớn và đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có những quy định chặt chẽ hơn về nội dung này, nhất là đối với từ phía công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm chỉ định kịp thời đại lý bảo hiểm giám sát việc chuyển giao các hợp đồng bảo hiểm này một cách kịp thời cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan. Đồng thời đề nghị bổ sung đầy đủ các nội dung về tư vấn bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để hạn chế tình trạng hợp đồng bảo hiểm mồ côi, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh.

Góp ý về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng mục đích của Quỹ là rất tích cực, tuy nhiên, khi đặt Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong tổng thể các quy định của dự thảo Luật đang được xây dựng thì có sự trùng lắp về mục đích của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm với Quỹ Dự trữ bắt buộc. Theo dự thảo Luật, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc là để bổ sung vốn chủ sở hữu và đảm bảo khả năng thanh toán. Như vậy, mục đích của Quỹ Dự trữ bắt buộc cũng bao hàm cả mục đích và đối tượng hướng đến của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, thực tế cho thấy sau gần 12 năm thành lập và trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, vẫn chưa phải sử dụng đến nguồn quỹ này. Trong hồ sơ dự án luật, quỹ này cũng ít có khả năng phải sử dụng.

Nhấn mạnh, một quỹ ít có khả năng phải sử dụng đến, trong khi vẫn duy trì một quỹ khác có chức năng, mục đích tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội có thể cân nhắc việc không tiếp tục duy trì Quỹ Bảo vệ người bảo hiểm như phương án 1 đã nêu trong dự thảo Luật.

Đại biểu phân tích thêm, việc duy trì hai quỹ song song sẽ tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người được bảo hiểm vì các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nếu duy trì hai quỹ trong quá trình thực thi, trường hợp phải sử dụng nguồn trên quỹ để thanh toán cho người được bảo hiểm sẽ còn phát sinh thêm vấn đề phân chia tỷ lệ chi trả của từng quỹ, mỗi quý bao nhiêu phần trăm và người được bảo hiểm nhận thanh toán từ nguồn quỹ khác nhau.
Trước những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tán thành không tiếp tục duy chỉ trích nộp Quỹ bảo hiểm vệ người được bảo hiểm, đồng thời cần phải có những quy định rõ ràng về quản lý sử dụng hiệu quả số dư hiện nay.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình tại phiên họp


Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu. để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo chỉnh lý, giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Đối với hai vấn đề UBTVQH đưa ra hai phương án để đại biểu Quốc hội thảo luận, Đoàn Chủ tịch thấy còn một số ý kiến khác nhau, cho nên đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản với hai vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình kỳ họp./.

Phương Ngọc