Đây là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, xung quanh vấn đề quyết toán NSNN năm 2020 và việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Thưa ông, Báo cáo kiểm toán về quyết toán NSNN năm 2020 của KTNN và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều có chung đánh giá rằng, nhiều bất cập trong công tác thu, chi NSNN đã tái diễn nhiều năm song chưa được khắc phục hiệu quả, điển hình như dự toán thu chưa sát, phân bổ vốn chưa kịp thời, số chuyển nguồn lớn… Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 cũng như Báo cáo đánh giá bổ sung về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy rất rõ những thành tựu trong thực hiện dự toán NSNN; đã đóng góp quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ, kể cả những nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ. Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp song thu NSNN vượt rất cao; các nhu cầu về tài chính phục vụ cho nhiệm vụ phòng, chống dịch tăng rất lớn nhưng chúng ta vẫn đáp ứng kịp thời. Đồng thời, chúng ta còn đưa ra gói hỗ trợ để phục hồi, phát triển kinh tế. Có thể nói những thành tựu đó là rất cơ bản.
Tuy nhiên, nhìn vào chiều sâu của các nội dung, chúng ta thấy còn những mặt hạn chế cần được nhận thức rõ để khắc phục, để công tác điều hành tài chính quốc gia tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Trước tiên đó là vấn đề về dự toán. Thực tế nhiều năm qua, nhất là quyết toán NSNN năm 2020 và báo cáo bổ sung năm 2021 cho thấy, giữa số dự toán và số quyết toán chênh lệch lớn. Vậy nguyên nhân vì sao? Rõ ràng là do công tác đánh giá tình hình, bởi dự toán được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện của năm trước. Do chúng ta đánh giá không sát, không nắm chắc được tình hình, không dự báo được bức tranh triển vọng của năm tới như thế nào, dẫn tới xây dựng kế hoạch không sát.
Một nguyên nhân nữa là một số địa phương hoặc một số ngành, lĩnh vực cố tình xây dựng dự toán thấp đi với tâm lý để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng không loại trừ việc một số địa phương, lĩnh vực chỉ xây dựng dự toán ở một mức độ nhất định để dựa vào đó trông chờ nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên…
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là chính sách thu trên từng lĩnh vực còn khó khăn, đặc biệt là vấn đề trốn thuế, chuyển giá, thu thuế các lĩnh vực trên nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Đó chính là những yếu kém trong công tác quản lý thu.
Trong công tác chi NSNN ở từng lĩnh vực cũng còn những bất cập, chẳng hạn như chi mua sắm vật tư, trang thiết bị chống dịch là rất cần thiết. Tuy nhiên, do thiếu các quy định, hướng dẫn một cách đầy đủ, chặt chẽ, nên có tình trạng một số cá nhân lợi dụng và vi phạm pháp luật; trong khi có nơi lại sợ không dám mua sắm vật tư, thiết bị cần thiết.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc xây dựng dự toán không sát thực tế gây khó khăn cho công tác điều hành, sử dụng NSNN. Xin ông có thể phân tích rõ hơn về những hệ lụy này?
Việc xây dựng dự toán thấp và thực thu vượt cao dẫn đến hệ lụy là nguồn lực ngân sách không được bố trí sử dụng kịp thời. Bởi vì đến cuối năm mới biết là thu đạt hay thu vượt và mới bố trí sử dụng thêm, tức là bố trí vốn mang tính chất đột xuất, không có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Đặc biệt, khi các khoản tăng thu chi cho đầu tư một cách đột xuất, khâu chuẩn bị dự án không tốt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Mặt khác, việc bố trí tăng chi vào cuối năm cũng không bảo đảm tiến độ giải ngân, bởi việc chi tiêu phải có quy trình, thủ tục và phải có khối lượng công việc cụ thể thì mới thanh toán được. Đồng thời, khi triển khai dự án một cách vội vàng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc và không kịp tiến độ.
Việc dự toán thu không sát cùng với giải ngân vốn đầu tư không đảm bảo tiến độ cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến số chuyển nguồn rất lớn và ngày càng tăng trong những năm gần đây. Như số liệu báo cáo cho thấy, chi chuyển nguồn đến gần 1/3 tiền ngân sách chi tiêu một năm, trong khi ngân sách vẫn đang phải đi vay là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Nếu chúng ta quản lý một cách hiệu quả thì sự đóng góp của nguồn lực huy động ngân sách phục vụ cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn.
Theo ông, cần có giải pháp như thế nào để chấn chỉnh, khắc phục một cách hiệu quả những bất cập này trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, đối với mỗi yếu kém được chỉ ra thì đều phải nghiên cứu kỹ và chỉ rõ nguyên nhân, từ đó có giải pháp cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với vấn đề dự toán thấp thì cần xây dựng sát đúng hơn. Muốn vậy, phải đánh giá đúng năng lực đội ngũ cán bộ, đồng thời phải gắn trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng xây dựng dự toán lấy lệ cho xong.
Hay như với vấn đề giải ngân chậm thì cần chỉ ra yếu kém do đâu, đặc biệt là trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Vừa qua, Quốc hội đã ra một loạt các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ hơn nữa, đó là công tác giải phóng mặt bằng khó khăn do bất cập về giá đất. Vì vậy, tới đây phải xem xét điều chỉnh, sửa Luật Đất đai. Bên cạnh đó là tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề giải ngân đầu tư công; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng. Tôi cho rằng, đối với mỗi yếu kém trong từng lĩnh vực thì phải gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đòi hỏi các cơ quan phải xây dựng đề án để xử lý, khắc phục hiệu quả.
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm qua quyết toán NSNN năm 2020 là việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN mới đạt 80%, chưa kể số kiến nghị từ các năm trước chưa thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Có thể nói, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2020 đạt 80% là một sự cố gắng rất lớn và cao hơn so với những năm trước song chưa thể thực hiện triệt để, bởi thực tế có nhiều kiến nghị khó khắc phục. Chẳng hạn như khi đơn vị chi sai nhiệm vụ thì tiền đã tiêu rồi, bây giờ KTNN yêu cầu hoàn trả lại thì cũng cần có quá trình, chưa thể thực hiện được ngay. Bên cạnh đó, có tình trạng một số đối tượng, đơn vị được kiểm toán tìm mọi biện pháp để chống đối, không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, hay có những kết luận, kiến nghị còn thiếu thuyết phục… Vì vậy, cần phải xem xét vấn đề một cách toàn diện.
Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội cũng đã có chủ trương, tới đây Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế sẽ phải tổ chức các phiên giải trình về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Theo đó, KTNN và các cơ quan, đơn vị được kiểm toán sẽ giải trình các vấn đề như tại sao không thực hiện kiến nghị kiểm toán, thực hiện thế nào, kiến nghị nào thực hiện, kiến nghị nào không thực hiện, lý do tại sao… nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đ. Khoa thực hiện
(Báo Kiểm toán số 22/2022)