Đầu tư xây dựng 5 dự án giao thông trọng điểm là cần thiết
(sav.govvn) - Khẳng định việc đầu tư các dự án xây dựng giao thông trọng điểm là cần thiết, nhưng Chính phủ cần có sự nỗ lực lớn, quyết tâm lớn để đảm bảo chất lượng và tiến độ - đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại buổi thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TPHCM; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) diễn ra sáng 6/6/2022.
Thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết, dự án vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Dự án vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7km).
Từ những số liệu này, Bí thư Hà Nội cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý. Trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. "Giải phóng mặt bằng luôn là khó nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ, gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha. Thành phố Hà Nội là 741ha, chủ yếu đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường" - ông Đinh Tiến Dũng nói.
Một trong những cơ chế, chính sách chung của dự án là đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023)... Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian. Bởi hiện đã qua 6 tháng đầu năm 2022, tiếp đó còn đợi Quốc hội thảo luận để thông qua.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, dự án Vành đai 4 giúp đột phá cả về cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện tại, cơ sở hạ tầng lại là "điểm nghẽn" yếu nhất của cả Hà Nội và TP. HCM. "Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. Đáng chú ý, "điểm nghẽn" lớn nhất về giao thông lại nằm ở TP. HCM và Hà Nội, những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Do đó, triển khai các dự án vào 2 điểm nghẽn này là rất cần thiết" - ông Lộc cho hay.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) dùng từ "khổng lồ" để nói về các dự án giao thông trong thời gian vừa qua. Ngoài tuyến đường Bắc - Nam , đường Hồ Chí Minh còn có các dự án đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua. "Với khối lượng các công trình giao thông lớn như vậy, nếu không có sự nỗ lực lớn, quyết tâm lớn thì e rằng lại chậm tiến độ", ông Thắng nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đối với đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, quy hoạch quy mô 6 làn xe; dự kiến đầu tư giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc, hạn chế với mặt cắt ngang 17m, cùng với các nút giao khác mức kết nối với các tuyến đường hiện hữu.
Với đường Vành đai 3 – TP. HCM, quy hoạch quy mô 6-8 làn xe; dự kiến đầu tư giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế với mặt cắt ngang 19,75m, cùng với các nút giao khác mức kết nối với các tuyến đường hiện hữu.
Vị Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tại sao cùng là quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, nhưng mặt cắt ngang giữa 2 đường vành đai lại rất khác nhau?
Bên cạnh đó, đường Vành đai 4 - vùng thủ đô được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), còn Vành đai 3 – TP. HCM đầu tư theo hình thức đầu tư công. Ông Trần Văn Tiến đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ tại sao đường vành đai 4 - vùng thủ đô với lưu lượng xe khoảng 43.000 - 66.000 xe/ngày đêm lại lựa chọn đầu tư theo phương thức PPP.
Còn đường vành đai 3 – TP. HCM có lưu lượng xe khoảng 51.700 - 74.300 xe/ngày đêm, lớn hơn lưu lượng xe đường vành đai 4 - vùng thủ đô lại lựa chọn hình thức đầu tư công. Đồng thời cần so sánh hiệu quả giữa đầu tư theo phương thức đối tác công tư với đầu tư công trước khi quyết định chủ trương đầu tư" - đại biểu cho hay.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sở dĩ đường Vành đai 3 không làm PPP vì vấn đề giải phóng mặt bằng ở những khu vực đường vành đai đi qua là "gánh nặng" rất lớn. Nếu làm PPP riêng, giải phóng mặt bằng ít nhất phải bỏ ra 75.314 tỉ đồng. Như vậy, nếu vẫn đưa vào đầu tư thì vốn ngân sách Nhà nước "đội" hơn 80% tổng mức đầu tư. Và áp theo Luật PPP thì khi không phù hợp, bởi luật này quy định vốn ngân sách không được vượt quá 50%. "Chính vì vậy, nếu vốn ngân sách đã lên tới 80%, nên làm đầu tư công" - ông Dũng cho hay.
Đại biểu Đào Hồng Lan – Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, Vành đai 3 TP. HCM là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, có tác động tích cực kéo giãn mật độ dân cư, giảm áp lực giao thông cho 2 đô thị là Hà Nội và TP. HCM, kết nối 2 thành phố này với các tỉnh xung quanh, tạo nên liên kết vùng rộng mở cho không gian phát triển. Đối với 3 dự án đường cao tốc, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhất trí với chủ trương, sự cần thiết đầu tư các tuyến đường này cho các giai đoạn tiếp theo, qua đó tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội cho các vùng trong cả nước.
Về hình thức đầu tư, ĐBQH Đào Hồng Lan cho rằng hình thức đầu tư đối tác công tư PPP là biện pháp hiệu quả khi nguồn vốn ngân sách còn đang khó khăn. Hình thức đầu tư này, huy động tốt ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn lực tư nhân để cùng tạo ra sức mạnh phát triển các dự án. Tuy nhiên, theo luật PPP, còn có bất cập như chi phí đầu tư PPP luôn cao hơn đầu tư công khoảng 20-25% do cho phí lãi vay, chi phí quản lý. Ngoài ra, việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn lớn nhất hiện nay.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, ĐBQH Đào Hồng Lan nhất trí với cơ chế đặc thì theo đề xuất của Chính phủ. Cụ thể là cơ chế, chính sách về nguồn vốn, tổ chức thực hiện, chỉ định thầu, khai thác khoáng sản đối với đường vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh… Đồng thời nếu Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù, cũng đề nghị Chính phủ sớm dự thảo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn điều hành để khi Nghị quyết được thông qua sẽ sớm được triển khai.
Về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), các ĐBQH tỉnh Hòa Bình bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư các dự án. Việc đầu tư sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dù vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực và tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án.
Về tiến độ thực hiện dự án, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cho rằng: Hiện nay, trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu nếu thực hiện các thủ tục bình thường thì phải mất đến 3 năm mới xong khâu chuẩn bị đầu tư nhưng thủ tục đến đâu thì chưa được làm rõ. Mặt khác, nếu có bố trí vốn mà thực hiện trong thời gian như Tờ trình thì có bảo đảm chất lượng công trình hay không trong điều kiện các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Longtừ tháng 6 - 11 là mùa mưa. Trong trường hợp Quốc hội phê duyệt chủ trương này nhưng sau không thực hiện được đúng theo tiến độ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nếu cố triển khai thực hiện mà không đạt yêu cầu trong khi bỏ ra số lượng vốn lớn thì cần cân nhắc rất kĩ thời gian cụ thể để từ đó cân đối nguồn lực, không để tình trạng lãng phí thất thoát.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, việc thực hiện phân bổ vốn lần này rất khác với quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, tính khả thi trong bố trí vốn là không có. Hơn nữa, việc thực hiện các dự án gần như bỏ qua các quy định về Luật (Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường…). "Như vậy có phù hợp không và sau này ai là người chịu trách nhiệm" – bà Phú Hà đặt vấn đề.
Đồng thời, bà Phú Hà đề nghị Chính phủ xem xét, xác định lại tiến độ thời gian thực hiện các dự án để bảo đảm các quy định của pháp luật. Đồng thời, cần đánh giá kĩ lưỡng hơn về tiến độ triển khai thực hiện, suất đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm việc sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực của Nhà nước đã bỏ ra.
Trước một số ý kiến đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Quốc hội có Nghị quyết tuyệt đối không được sử dụng nguồn cải cách tiền lương để làm việc khác, dù bất cứ lý do gì.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cải cách tiền lương khác với việc điều chỉnh lương hàng tháng. "Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hàng năm" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Về việc đề nghị cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, Chủ tịch Quốc hội cho biết luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
Cho ý kiến thêm về chủ trương đầu tư các dự án, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong điều kiện khó khăn, Quốc hội nên có giải pháp đặc biệt để sử dụng nguồn vốn linh hoạt từ cả trung ương và địa phương. Việc này tùy theo khả năng đóng góp của các địa phương bởi “tình huống đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt”.
Luật giao thông đường bộ khẳng định, đường cao tốc và quốc lộ thì Bộ GTVT quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống thì địa phương quản lý. Trong thời kỳ có tới 6 dự án quan trọng quốc gia và các công trình cũ như Sân bay Long Thành, dự án đường cao tốc phía Đông giai đoạn 1… thì Bộ GTVT không thể làm được. Do đó cần phải có sự giao lại cho địa phương có dự án đi qua làm cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền. “Đường Vành đai 3 giao cho TP Hồ Chí Minh làm đầu mối, Vành đai 4 giao cho Hà Nội làm đầu mối. Riêng 3 dự án đường bộ cao tốc do Bộ GTVT trình, có những đoạn, những dự án nằm cả 2 tỉnh thì giao cho Bộ GTVT phụ trách. Còn dự án nào nằm trọn tỉnh nào thì tỉnh đó phụ trách” - Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã có cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Nghị quyết Quốc hội cũng sẽ ghi các yêu cầu này.
Nói về phần đóng góp vốn của địa phương vào dự án, Chủ tịch Quốc hội cho hay, các địa phương phải cam kết với Chính phủ việc bố trí vốn nhưng đây là cam kết với Chính phủ và Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội. "Phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu xảy ra. Chúng ta trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm. Người nào quyết định người đó phải chịu trách nhiệm. Tôi chỉ định thầu anh nhưng năng lực của anh không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.