Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán hoạt động do Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện

(sav.gov.vn) – Chiều 3/06/2022, Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2022 “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán hoạt động (KTHĐ) do KTNN khu vực thực hiện” do CN. Hoàng Tuấn Long và ThS. Đặng Đình Tự đồng chủ nhiệm. Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: KTHĐ hiện đang là một trong ba loại hình kiểm toán mà KTNN thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó Kiểm toán nhà nước khu vực đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhằm tăng cường thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước và đã đánh giá được tính đúng đắn trung thực của các số liệu quyết toán, việc tuân thủ hệ thống các văn bản về quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước, kiến nghị xử lý các sai phạm về công tác quản lý kinh tế, tài chính tại đơn vị được kiểm toán… Tuy nhiên, số lượng các cuộc KTHĐ vẫn còn ít và chưa đa dạng về chủ đề kiểm toán, nội dung kiểm toán còn tập trung vào các nội dung tuân thủ các quy định của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản, kế toán, quyết toán ngân sách...

Do đó, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán hoạt động do KTNN khu vực thực hiện”  có ý nghĩa lý luận và ứng dụng thực tiễn cao.

Ngoài mở đầu và kết luận, nội dung của đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1 - Những nội dung cơ bản về kiểm toán hoạt động của Kiểm toán nhà nước hiện nay và thực trạng các cuộc KTHĐ do Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện; Chương 2 - Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc KTHĐ do KTNN khu vực thực hiện.

Theo nhận xét của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về đặc điểm, vai trò của KTHĐ; tổng quan về kiểm toán hoạt động của KTNN. Trong đó đã làm rõ được vai trò của KTHĐ trong cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và xã hội để nâng cao công tác quản lý tài chính công, tài sản công; hệ thống được các bước thực hiện theo quy trình kiểm toán hoạt động.

Đề tài đã đánh giá thực trạng các cuộc kiểm toán hoạt động do KTNN khu vực từ năm 2017 đến nay trên 3 khía cạnh: Công tác tổ chức các cuộc kiểm toán; thực trạng và nguyên nhân. Trong đó, đã chỉ ra được các vấn đề khó khăn, vướng mắc cơ bản và nguyên nhân trong các khâu của quá trình tổ chức kiểm toán hoạt động.

Đề tài đã đề xuất định hướng phát triển kiểm toán hoạt động theo hướng tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động hằng năm và nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động nói chung.

Nhóm các giải pháp của đề tài có giá trị thực tiễn cao, trong đó có 5 giải pháp chính về đội ngũ kiểm toán viên; về xác định chủ đề kiểm toán; hoàn thiện tổ chức kiểm toán toán hoạt động; nâng cao tính hiệu lực các kiến nghị kiểm toán hoạt động và các giải pháp khác.

Ngoài ra, Đề tài đã đề xuất các điều kiện thực hiện giải pháp bao gồm đối với KTNN, KTNN khu vực, Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên. Đây là những điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp và phù hợp với thực tiễn trong điều kiện hiện nay.

Đề tài nghiên cứu được thực hiện trên nền tảng phương pháp lý luận cơ bản để phân tích nội dung nghiên cứu, trong đó gắn lý luận với thực tiễn để đề xuất các giải pháp áp dụng mang tính khả thi kèm theo lộ trình thực hiện phù hợp. Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính là phân tích, tổng hợp, so sánh và hệ thống hóa. Các phân tích, đánh giá của tác giả đều dựa trên các nghiên cứu thực tiễn; các thông tin, tài liệu thu thập có nguồn gốc, xuất xứ.
 
Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc phát biểu kết luận buổi nghiệm thu


Tuy nhiên để để đề tài có giá trị cao hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài làm nổi bật “Sự cần thiết phải nghiên cứu Đề tài” qua việc khái quát được các hạn chế về chất lượng và hiệu quả của các cuộc KTHĐ do KTNN khu vực thực hiện; đồng thời nêu các nguyên nhân cơ bản dẫn đến các hạn chế này. Ngoài ra, Đề tài cần làm rõ "Đối tượng và phạm vi nghiên cứu" là các cuộc KTHĐ độc lập, có như vậy mới chỉ ra được các hạn chế trong hướng dẫn KTHĐ của KTNN, tổ chức thực hiện các cuộc KTHĐ của các KTNN khu vực và kết quả đạt được. Đồng thời cần đưa ra ít nhất 01 cuộc kiểm toán đặc trưng để có dẫn chứng, minh hoạ cụ thể cho các đánh giá về thực trạng.

Bên cạnh đó, Đề tài cần bổ sung nghiên cứu để đánh giá thực trạng về việc KTV “Sử dụng các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán” và “Phân tích bằng chứng kiểm toán, hình thành phát hiện, kết luận, kiến nghị” do đây là khâu rất quan trọng trong KTHĐ và là khâu yếu của KTVNN hiện nay.

Về giải pháp lựa chọn chủ đề kiểm toán, cần nghiên cứu các mô hình hoặc cách thức lựa chọn chủ đề kiểm toán; đề xuất phương án lựa chọn chủ đề kiểm toán phù hợp với đặc điểm quản lý tại Việt Nam và điều kiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi...

Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Trần Kim Lộc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét để bổ sung những vấn đề góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu để đề tài được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.

Hà Linh