Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

(sav.gov.vn) - Ngày 08/6/2022, dưới sự chủ trì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.

Các nội dung nhóm vấn thuộc lĩnh vực tài chính được tập trung chất vấn gồm: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số...
 
Trả lời chất vấn đại biểu về thu thuế kinh doanh trên nền tảng số, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận đây là lĩnh vực rất mới, hiện đã bị thất thu rất lớn trên sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ.
 
Mặc dù Bộ Tài chính ban hành thông tư yêu cầu chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho những người tham gia sàn, nhưng không được đồng thuận. Do đó, Bộ Tài chính đang dừng lại để tiếp tục nghiên cứu, bởi khó khăn hiện nay là người tham gia sàn thương mại điện tử có thể ở ngước ngoài, chứ không chỉ ở Việt Nam.
 
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã giải quyết một bước, các tập đoàn lớn về công nghệ thông qua khai trương cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, các tập đoàn đã kê khai nộp thuế. Sau này tiến hành thanh tra sau. Còn sàn thương mại điện tử cũng đang được tích cực kiểm tra. Đối với Zalo, Facebook và các nền tảng khác, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác để thắt chặt trong lĩnh vực này. Trong tương lai, sẽ xây dựng một hệ thống công nghệ để kiểm soát và tự động thu tiền thông qua hệ thống ngân hàng.
 
Trả lời chất vấn đại biểu về chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của nhà nước. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.
 
Theo Luật Đất đai, bảng giá đất sẽ ban hành 5 năm một lần, trong thời gian này Ủy ban nhân các tỉnh phải ban hành hệ số sử dụng đất để điều chỉnh giá đất. Vì vậy, bảng giá đất và hệ số điều chỉnh chính là giá đất để thu thuế bất động sản, điều này hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và đúng với Nghị định 14 về phương pháp hệ số xác định đúng thời điểm.
 
Về thực trạng cổ phẩn hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước rất chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vướng mắc nhất là xác định giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất. Bên cạnh đó, rủi ro pháp lý cao nên các cơ quan chủ quản ngại phê duyệt phương án, các doanh nghiệp quyết tâm không cao nên tình hình "dậm chân tại chỗ".
 
Trước các nút thắt về mặt pháp lý cần được hoàn thiện đảm bảo cho vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng cho rằng phải có 1 mục tiêu hay nguyên tắc để thực hiện vấn đề cổ phần hóa theo hướng: Đối với những những doanh nghiệp nhà nước không năm cổ phần chi phối thì nên cổ phần hóa hết, để các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện sản xuất, kinh doanh chủ động. Nếu nhà nước tham gia vốn thì nhà nước phải điều hành được. Đối với những doanh nghiệp quản trị tốt, làm ăn tốt, giải quyết được việc làm, giữ được vai trò điều tiết cho các nền kinh tế thì nên giữ và nên tăng cường năng lực hoạt động. Đồng thời, trong quá trình cổ phần hóa, cần quản lý chặt chẽ vấn đề liên quan đến đất đai...
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân. Do đó, giải pháp trong thời gian tới là, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
 
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng bong bóng trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ cho biết, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Trong đó, tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian...
 
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
 
Về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng cho biết so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giải pháp giảm thuế cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách khác. Bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả. Mặt khác giá xăng dầu không chỉ phụ thuộc thuế mà còn phục thuộc quan hệ cung cầu. Theo đó, cần phải đẩy mạnh sản xuất trong nước.
 
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra...
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trả lời chất vấn đối với các nội dung liên quan đến: Giải pháp cho vấn đề lạm phát tăng cao; Về quản lý giá sách giáo khoa;  Siết chặt hoạt động của các công ty thẩm định giá; Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong công tác đấu giá tài sản quy định trong Luật Đấu giá tài sản; Công tác luân chuyển cán bộ trong lĩnh vực tài chính; Vấn đề xe biếu tặng; hóa đơn điện tử, chính sách hỗ trợ cho những đơn vị vùng sâu vùng xa thực hiện hóa đơn điện tử...
 
Phát biểu kết thúc chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính để được xem xét, trả lời bằng văn bản.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số bất cập, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
 
Phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Rà soát các hướng dẫn chính sách thuế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để sớm điều hòa, phân bổ vốn cho dự án.
 
Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác, dự kiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023. Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội...
 
Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cungcầu, bình ổn giá. Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần đánh giá kỹ tác động đến CPI.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
 
Sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung. Bảo đảm mua sắm các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà trọng tâm là các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025…
 
Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại, điện tử; Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, quản lý thu. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu để chống thất thu và xử lý nghiêm các vi phạm.
 
Ngọc Bích