Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long

Kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực này đang đứng trước những thách thức về an ninh nguồn nước. Tuy vậy, để cuộc kiểm toán này đạt hiệu quả cao, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán.

ĐBSCL nằm cuối nguồn sông Mê Công, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Việc khai thác quá mức tài nguyên nước (TNN), áp lực gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn... Điều này đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói chung và nguồn TNN nói riêng; đồng thời đặt ra yêu cầu cần thiết phải kiểm toán để đánh giá việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại ĐBSCL...

Kiểm toán để đánh giá việc quản lý, sử dụng nguồn nước

Theo nghiên cứu “Hoàn thiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn nước bền vững trước sự suy giảm hệ sinh thái và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” của ThS. Lê Thị Thùy Ngoan (KTNN khu vực IX) và ThS. Nguyễn Tiến Hoàng (KTNN chuyên ngành Ia), những năm qua, KTNN Việt Nam đã phối hợp cùng một số cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong khu vực Đông Nam Á tổ chức 2 cuộc kiểm toán liên quan đến TNN lưu vực sông (LVS) Mê Công.

Cụ thể, năm 2012, KTNN đã cùng với các KTNN: Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia tiến hành kiểm toán “Chính sách quản lý TNN LVS Mê Công và những tác động đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia tăng cường các hoạt động khai thác, sử dụng TNN trong lưu vực”. Cuộc kiểm toán đã đánh giá tính đầy đủ, hợp lý của hệ thống các chính sách, pháp luật quản lý TNN và LVS của Việt Nam; việc tuân thủ chính sách, pháp luật và phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến quản lý TNN LVS Mê Công của Việt Nam, Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững LVS Mê Công năm 1995...

Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN/LVS chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ TNN/LVS. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về TNN chưa thường xuyên, hiệu lực còn hạn chế. Việc đánh giá tác động môi trường và kiểm tra việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt còn mang tính hình thức. Công tác triển khai thi hành pháp luật về TNN ở các địa phương còn chậm, thụ động, nhiều quy định cụ thể chưa được triển khai dẫn đến thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý, thiếu quy hoạch, tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng hơn…

Đặc biệt, với cương vị Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đề xuất và chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác “Việc quản lý nguồn nước LVS Mê Công, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” cùng với các SAI: Thái Lan, Myanmar. Cuộc kiểm toán nhằm đánh giá công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, quy hoạch về TNN; việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc SDG 6 của Liên Hợp Quốc liên quan đến quản lý nguồn nước thuộc LVS; việc thực hiện các văn bản, kế hoạch, chỉ thị của Chính phủ về TNN, bảo vệ môi trường nước; công tác cấp phép khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, khai thác khoáng sản lòng sông; công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước LVS Mê Công…

Kết quả kiểm toán đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý TNN, nhất là những bất cập, hạn chế của Hiệp định Mê Công 1995 khiến việc hợp tác giữa các quốc gia thuộc LVS Mê Công còn gặp một số khó khăn, thách thức, làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước LVS Mê Công.
 
Xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán

Kết quả của 2 cuộc kiểm toán trên đã phần nào cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nguồn nước tại LVS Mê Công, trong đó có khu vực ĐBSCL. Để tiếp tục kiểm toán, qua đó đánh giá và đưa ra kiến nghị xác đáng về việc quản lý, sử dụng nguồn nước tại ĐBSCL, theo nhóm nghiên cứu, cuộc kiểm toán cần bám sát định hướng của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao về kiểm toán các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), xác định mục tiêu triển khai gắn với việc thực hiện các SDG liên quan đến quản lý tổng hợp TNN theo LVS.

Theo đó, mục tiêu kiểm toán cần tập trung đánh giá: Tính đầy đủ, hợp lý của hệ thống chính sách, pháp luật quản lý nguồn nước; công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước LVS ĐBSCL gắn với thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc SDG 6 của Liên Hợp Quốc; việc tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý TNN và các cam kết quốc tế trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ĐBCSL gắn với việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc SDG 6 của Liên Hợp Quốc; tính hiệu quả, hiệu lực của việc thực hiện chính sách và sử dụng các nguồn lực trong quản lý TNN.

Về nội dung kiểm toán: Bên cạnh việc đánh giá trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nguồn nước, cuộc kiểm toán cần tập trung đánh giá: Tính đầy đủ, hợp lý của hệ thống các chính sách, pháp luật quản lý TNN; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý nguồn nước LVS ĐBSCL gắn với các SDG quốc gia; việc phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trong quản lý TNN. KTNN cũng cần đánh giá ảnh hưởng của việc quản lý, khai thác và sử dụng nước LVS ĐBSCL; việc thực hiện cam kết về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính; sự tuân thủ chính sách, pháp luật và phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến quản lý TNN LVS ĐBSCL; việc thực hiện mục tiêu cụ thể 6.5 thuộc SDG 6 của Liên Hợp Quốc.

Về tiêu chí kiểm toán: Xây dựng tiêu chí cụ thể đánh giá việc tuân thủ cam kết Hiệp định Mê Công 1995 của các quốc gia thành viên; cụ thể hóa nội dung kiểm toán thành các tiêu chí rõ ràng, chi tiết, tránh các tiêu chí ít liên quan hoặc chưa đủ độ tin cậy. KTNN có thể xây dựng tiêu chí chi tiết như bảng câu hỏi có/không, hướng tới mô hình kiểm toán hoạt động như các nước trên thế giới.

Về phương thức tổ chức kiểm toán: Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát cụ thể đối với từng Bộ, ngành, địa phương có liên quan; xây dựng đề cương khảo sát bám sát mẫu biểu của Ngành; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường. Giai đoạn thực hiện kiểm toán, đổi mới phương pháp kiểm toán, kiểm tra hiện trường, thống kê cơ sở dữ liệu chuyên sâu./.

Hồng Anh
(Báo Kiểm toán số 25/2022)