Tại khoản 10 điều 51 Luật KTNN quy định rõ “Đối với các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung kiểm toán phù hợp”.
Quy trình chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ của KTNN hiện nay
Ông Lê Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, để thực hiện kiểm toán có hiệu quả kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trở xuống, KTNN đã không ngừng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc xây dựng Hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán. Bởi DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ không phải là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà là Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, có ít nhất một cổ đông/thành viên là đại diện nắm giữ phần vốn Nhà nước tại DN, dưới 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và hoạt động theo quy định của Luật DN về Công ty cổ phần.
Theo ông Lê Đức Luận, đối với kiểm toán DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, KTNN ban hành hướng dẫn theo Quyết định số 22/QĐ-KTNN ngày 06/1/2021, trong đó quy định chi tiết về mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật KTNN năm 2015. Theo đó, mục tiêu kiểm toán: Đánh giá tính trung thực, hợp lý về thông tin phần vốn Nhà nước tại DN; Đánh giá tính tuân thủ pháp luật Nhà nước, các cơ chế chính sách và quy định đối với việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Nội dung kiểm toán: Không xác nhận thông tin bộ Báo cáo tài chính đầy đủ của DN được kiểm toán, chỉ tập trung kiểm toán, đánh giá những chỉ tiêu, thông tin tài chính liên quan đến phần vốn Nhà nước tại DN và trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiêp đối với nhà nước. Về phương pháp kiểm toán: Kiểm toán viên nhà nước được sử dụng các phương pháp chuyên môn theo quy định của KTNN nhằm thu thập đánh giá bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu; điều tra đối với tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, không chỉ đơn thuần kiến nghị các DN tăng nộp các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính cho NSNN, mà còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết những tồn tại liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý tài chính; kiến nghị giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực giám sát của người đại diện phần vốn Nhà nước; tư vấn cách thức quản trị DN nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của DN; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Ông Lê Đức Luận đưa ra ví dụ một số cuộc kiểm toán lớn ứng dụng CMKTNN vào kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả:
Cuộc kiểm toán phối hợp với KTNN Liên bang Nga cùng thực hiện kiểm toán Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga (phía Việt Nam nắm giữ 49% vốn): Tăng nộp cho NSNN Việt Nam trên 11 triệu USD tiền thuế liên quan, kiến nghị các đơn vị quản lý trực tiếp và 2 Bên liên doanh có những biện pháp khắc phục tồn tại, định hướng hợp tác khai thác trong điều kiện mới.
Cuộc kiểm toán chuyên đề bù lỗ các mặt hàng dầu đối với Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ: KTNN đã kiến nghị giảm cấp bù lỗ từ NSNN trên 6 tỷ đồng, kiến nghị các Bộ, ngành xem xét lại một số quy định không còn hợp lý liên quan đến yêu cầu tiết kiệm chi phí 5% kinh doanh xăng dầu so với năm trước.
Cuộc kiểm toán BCTC của Công ty Cổ phần FPT (Nhà nước chỉ đầu tư 7,5% vốn điều lệ): Đã chỉ ra những bất cập trong hệ thống quản trị nội bộ doanh nghiệp và hệ thống quản trị tính thuế theo quy định; kiến nghị tăng thu NSNN trên 10 tỷ đồng; kiến nghị các Bộ, ngành xem xét lại phương thức quản lý, tính thuế đối với Tập đoàn.
Kết quả kiểm toán từ các DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ lớn và có giá trị cao trong việc đạt mục tiêu kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.
Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân khi thực hiện CMKTNN và hướng dẫn kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở xuống
Trao đổi về thực tiễn khi thực hiện CMKTNN vào tquá trình kiểm toán, ông Lê Đức Luận cho biết, còn một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân khi thực hiện CMKTNN và hướng dẫn kiểm toán. Đối với Hệ thống chuẩn mực KTNN tuân thủ ISSAI đã được ban hành, nhưng khi áp dụng còn có khó khăn do: Đội ngũ Kiểm toán viên còn bỡ ngỡ đối với nhiều nội dung trong các chuẩn mực, cần có thời gian để đào tạo, tập huấn cho Kiểm toán viên trong toàn Ngành nắm vững, hiểu thấu đáo và từng bước áp dụng thành thạo trong thực tiễn kiểm toán; do đặc thù về pháp luật và tổ chức Đoàn kiểm toán NSNN của KTNN Việt Nam là Đoàn lớn và lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán; tâm lý của nhiều Kiểm toán viên quen với các phương pháp kiểm toán truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận với phương pháp mới cũng là một rào cản.
Mặt khác, khi kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, đối với kiểm toán các DN thành viên do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở xuống việc vận dụng hướng dẫn kiểm toán còn có bất cập. Theo Điều 64 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định nguyên tắc kế toán và quy trình áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (Nhà nước nắm giữ từ 20 đến 50% vốn điều lệ) phải xác định và điều chỉnh vào báo cáo tài chính hợp nhất các khoản: “Giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào công ty liên kết; Khoản điều chỉnh vào cuối mỗi năm tài chính tương ứng với phần sở hữu của nhà đầu tư trong lợi nhuận hoặc lỗ của công ty liên kết; Phần điều chỉnh tăng (giảm) khoản đầu tư theo giá trị thay đổi của vốn chủ sở hữu của công ty liên kết nhưng không được phản ánh vào Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty liên kết; Khoản điều chỉnh do báo cáo tài chính của nhà đầu tư và công ty liên kết được lập khác ngày; Khoản điều chỉnh do nhà đầu tư và công ty liên kết không áp dụng thống nhất chính sách kế toán”. Mà muốn xác định được các chỉ tiêu trên phải kiểm toán toàn bộ báo cáo tài chính của công ty liên doanh liên kết.
Theo CMKTNN số 1600: Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét quy trình hợp nhất (đoạn 15); phải thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tài chính hoặc thông tin tài chính của đơn vị thành viên được xác định là quan trọng có ảnh hưởng đáng kể về mặt tài chính đối với Tập đoàn (đoạn 16). Trong khi đó, hướng dẫn kiểm toán lại quy định giới hạn “Không xác nhận Báo cáo tài chính, chỉ thực hiện kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN”, do đó nếu các đơn vị thành viên là các doanh nghiệp liên doanh liên kết (Nhà nước nắm giữ từ 20% đến 50% vốn điều lệ) có ảnh hưởng đáng kể về mặt tài chính đối với báo cáo hợp nhất của Tập đoàn mà không được kiểm toán sẽ có thể tạo ra rủi ro đáng kể có sai sót trọng yếu cho báo cáo tài chính của tập đoàn.
Mặc dù phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro và xác định trọng yếu là xu hướng tất yếu trong hoạt động kiểm toán hiện nay nhưng đây là phương pháp mới, ngoài thông tin dữ liệu thu thập được từ khâu khảo sát đòi hỏi Kiểm toán viên phải có xét đoán chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán. Trong khi, hầu hết các Kiểm toán viên đang quen với phương pháp truyền thống nên sẽ có tâm lý ngại thay đổi, ngại tiếp cận với phương pháp làm mới.
Theo ông Lê Đức Luận, KTNN sẽ hoàn thiện Hệ thống chuẩn mực và Quy trình kiểm toán và các hướng dẫn kiểm toán sau khi INTOSAI hoàn thành việc sửa đổi Hệ thống chuẩn mực, phù hợp với Hệ thống chuẩn mực theo Khuôn khổ IFPP của INTOSAI, hoàn thiện các Quy trình, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với CMKTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán tại Việt Nam.
Sửa đổi Hệ thống mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán theo hướng bổ sung cụ thể hóa tối đa hướng dẫn CMKTNN trong hệ thống mẫu kiểm kiểm toán; sửa đổi phù hợp với chế độ báo cáo tài chính - kế toán, phù hợp với CMKTNN; xây dựng các mẫu biểu còn thiếu; tiếp tục rà soát lược bỏ các bất cập, các mẫu biểu không cần thiết để giảm thủ tục hành chính; quy định rõ những nội dung quy định cứng và các nội dung linh hoạt; thống nhất các mẫu biểu kiến nghị kiểm toán...
Sửa đổi bổ sung Hướng dẫn kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ theo hướng: Khi kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp của Tập đoàn, đối các DN thành viên là các DN liên doanh, liên kết quan trọng (Nhà nước nắm giữ từ 20 đến 50% vốn điều lệ) thực hiện kiểm toán toàn bộ Báo cáo tài chính đầy đủ của DN được kiểm toán để đảm bảo cho xác nhận được Báo cáo kiểm toán hợp nhất hoặc báo cáo tổng hợp của Tập đoàn, Tổng công ty phù hợp với thông lệ và CMKTNN.
Bên cạnh đó, ông Lê Đức Luận cho biết, KTNN sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán để hỗ trợ Kiểm toán viên trong công tác chuyên môn, thu thập và xử lý dữ liệu kiểm toán, lưu trữ tài liệu và hồ sơ kiểm toán, phục vụ yêu cầu cập nhật, bổ sung dữ liệu phục vụ công tác kiểm toán hiệu quả.
Mặt khác, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về văn bản và nghiệp vụ kiểm toán đối với hoạt động kiểm toán doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50%; tăng cường công tác đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán viên, đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn để Kiểm toán viên có nhận thức đúng và đầy đủ về mục tiêu, tiêu chí, nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán đối với đối tượng kiểm toán này từ đó các Kiểm toán viên có thể vận dụng đúng đắn vào thực tiễn kiểm toán, cuộc kiểm toán mới tiến hành được đúng hướng và có hiệu quả./.
Khánh Vy