6 tháng đầu năm 2022: Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước 8.661 tỷ đồng, kiến nghị khác 14.857 tỷ đồng
(sav.gov.vn) - Chiều 11/7/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác đảng 6 tháng cuối năm 2022. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị, có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam; Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương Nguyễn Quang Trường và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Về phía KTNN có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Vũ Văn Họa, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Thế Vinh, Doãn Anh Thơ, Hà Thị Mỹ Dung cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
Trình bày báo cáo Đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, mặc dù trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN, song toàn Ngành đã chủ động, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ” nên đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Theo đó, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán được KTNN triển khai đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sát tình hình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán.
Tính đến 30/6/2022 toàn Ngành đã xét duyệt 145 kế hoạch kiểm toán, triển khai 138/234 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 95 cuộc. Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 159 Dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 127 BCKT. Hoàn thành công tác kiểm toán và đang xây dựng dự thảo BCKT cuộc kiểm toán thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 30 dự thảo BCKT, 127 BCKT đã phát hành thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 và 06 BCKT chuyển từ KHKT 2021 sang năm 2022, KTNN kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 8.661 tỷ đồng, kiến nghị khác 14.857 tỷ đồng, chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan điều tra để xem xét điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể, cá nhân.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trình bày BCKT quyết toán ngân sách năm 2020 và gửi đại biểu Quốc hội Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 với nhiều kết quả nổi bật, gửi ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư 05 dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao; tổ chức thành công Họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2021 và Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2020, Báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” của KTNN.
Trong 6 tháng đầu năm 3022, Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, đôn đốc quyết liệt trong hoạt động kiểm toán, nhờ vậy năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán tiếp tục được nâng lên trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh trình bày dự thảo Báo cáo kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, trong đó nêu bật những kết quả đạt được, những vướng mắc trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác Đảng 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch đề ra, tiếp tục đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm soát hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính vào hoạt động kiểm toán, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng kiểm toán trong năm 2022.
Thông qua việc triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Ban cán sự đảng, Đảng ủy KTNN, các Chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước, công tác giáo dục, chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức viên chức trong toàn Đảng bộ được nâng cao. Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể hoạt động có hiệu quả và đi vào chiều sâu; đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quan tâm đúng mức; tình hình tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ ngày càng ổn định.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, KTNN đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện đồng bộ. Theo đó, toàn Ngành tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm toán 6 tháng cuối năm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả; tổ chức rà soát và điều chỉnh các đầu mối, đơn vị được kiểm toán, thời gian và nhân lực Đoàn kiểm toán cho phù hợp với phương án kiểm toán tại Quyết định số 307/QĐ-KTNN ngày 17/3/2022.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và các thành viên có liên quan trong Hội đồng thẩm định cấp Vụ khi thực hiện thẩm định xét duyệt Dự thảo kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán của các Vụ tham mưu; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo sát và thực hiện KHKT kiểm toán để nâng cao chất lượng, giảm thời gian kiểm toán.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng Báo cáo công tác năm 2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước và Báo cáo dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của KTNN để gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV theo quy định.
Các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm, các nhiệm vụ được lãnh đạo KTNN giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng cao nhất.
Trong công tác Đảng, toàn Đảng bộ tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng Đảng; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, như: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, trong đó tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, Kiểm toán viên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong hoạt động công chức, công vụ, đồng thời thường xuyên quan tâm đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên của đơn vị, kịp thời động viên tháo gỡ khó khăn nhằm tăng cường đoàn kết nội bộ, không để xảy ra sự việc làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tập trung lãnh đạo hoàn thành Kế hoạch kiểm toán 06 tháng cuối năm đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của KTNN. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, những tháng đầu năm 2022, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN, KTNN đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, làm việc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả tích cực. “Kết quả công tác của KTNN tiếp tục góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng; cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội thực hiện 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách” – ông Nguyễn Đức Hải nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của KTNN còn rất nặng nề và cần có sự chuyển biến thực tế để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối ngân sách Nhà nước và quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực công.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và Chiến lược phát triển KTNN để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả.
Bám sát các yêu cầu về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch kiểm toán và các cuộc kiểm toán; tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán từ kế hoạch kiểm toán đến triển khai hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán và kiến nghị kiểm toán; tập trung thời gian, nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán xác nhận báo cáo quyết toán để kịp thời phục vụ hội đồng nhân dân và Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện phương pháp lập kế hoạch kiểm toán; tổng kết, đánh giá cuộc kiểm toán thí điểm từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để từng bước mở rộng thực hiện kiểm toán từ xa áp dụng cho lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp và các lĩnh vực khác trong thời gian tới, tiệm cận với thông lệ kiểm toán quốc tế.
Bên cạnh đó, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán, chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán, khắc phục triệt để trùng chéo với hoạt động thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu tổng hợp kết quả kiểm toán theo các báo cáo chuyên đề để kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Tiếp tục xây dựng Đảng bộ KTNN, các tổ chức Đảng cơ sở trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, Kiểm toán viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, năng lực chuyên môn tốt, công tâm, chính trực, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tính chiến đấu cao; đề cao trách nhiệm của người đảng viên, người đứng đầu nhất là Ki toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, đảng viên có hành vi vi phạm pháp luật, có biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Chúc mừng KTNN nhân kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng KTNN. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân vào KTNN ngày càng cao, đòi hỏi KTNN phải thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng thời khẳng định sẽ cùng Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN tiếp tục lãnh đạo toàn Ngành tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với KTNN.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu toàn Ngành cần nghiêm túc quán triệt, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng như tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch, có chất lượng đối với các nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng cuối năm 2022./.