(sav.gov.vn) - Kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống nhằm tiệm cận kiểm toán toàn diện hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện kiểm toán hiệu quả, sát thực, Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu vận dụng phù hợp các quy định của hệ thống pháp luật có liên quan về kiểm toán.
Tăng cường quản lý hoạt động của DN và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp
Theo Ông Lê Minh Nam, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, mục tiêu Nhà nước đầu tư vốn vào DN và quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN nhằm thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế hơn mười năm qua, bao gồm hoạt động tái cấu trúc các DNNN cho thấy đã giúp thu gọn đầu mối các DNNN, Nhà nước chỉ nắm giữ các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt. Xuất phát từ cả những yếu tố chủ quan và khách quan, việc chuyển đổi mô hình DN vẫn còn có những bất cập, hạn chế. Theo đó, việc chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn chưa tạo nên nhiều thay đổi theo hướng tiến bộ so với mô hình trước đó; các công ty Nhà nước chuyển đổi sang công ty cổ phần cũng chưa phát huy được vai trò, chưa cải thiện hiệu quả hoạt động như mong đợi. Thay đổi mô hình hoạt động của các công ty Nhà nước đòi hỏi phải thay đổi phương thức quản lý nhưng thực tế cho thấy phương thức quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với các loại hình DN này còn lúng túng, vướng mắc (vấn đề chủ sở hữu, vai trò của chủ sở hữu vốn Nhà nước, người đại diện vốn, trách nhiệm của các bên liên quan…). Một số DN vi phạm quy định của Luật DN về phân cấp tổ chức bộ máy và quản lý tài chính; vi phạm về loại hình và đăng ký kinh doanh; trong tuân thủ về quản lý tài chính kế toán và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước; trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên; chính sách với người lao động… Hơn nữa, thực tế số lượng các DNNN do nhà nước nắm giữ có xu hướng thu hẹp lại, trong khi đòi hỏi về vai trò của các DN này đối với nền kinh tế và yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế lại ngày một tăng lên.
Đặc biệt, đối với những DN mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn Điều lệ trở xuống, vai trò của Nhà nước rất hạn chế bởi nếu DN hoạt động theo mô hình công ty cổ phần thì cổ đông Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp vào DN, theo đó chỉ có thể tham gia quản lý DN dưới vai trò cổ đông thông qua quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ vốn góp theo quy định của Luật DN. Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện hành quy định về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; quyền và trách nhiệm về giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động của DN cũng như quyền, trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống cũng chưa thật sự cụ thể, rõ ràng, thuận tiện cho việc thực hiện.
Bên cạnh đó, tại một số DNNN nắm giữ từ 50% vốn Điều lệ trở xuống, Nhà nước đầu tư vốn với tỷ lệ cao nhưng giá trị tuyệt đối thấp; ngược lại có DN Nhà nước sở hữu vốn điều lệ với tỷ lệ % thấp nhưng giá trị số tuyệt đối lại cao. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào quy mô vốn đầu tư Nhà nước vào DN mà không có những thông tin đầy đủ, toàn diện để quản lý, điều hành nhằm mục tiêu mang lại hiệu lực, hiệu quả cao từ hoạt động đầu tư vốn cũng dễ tạo nên việc buông lỏng, thiếu kiểm soát, thiếu góc nhìn cụ thể cũng như toàn diện đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào các đơn vị này để có những ứng xử phù hợp. Hiện tại, thông tin liên kết - cầu nối nối trực tiếp giữa DN với Nhà nước chủ yếu thông qua người đại diện phần vốn Nhà nước, tuy nhiên với mô hình tổ chức và hoạt động theo luật DN của các DN mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, cơ chế tổ chức và hoạt động lại không thuận lợi cho người đại diện phần vốn tham gia sâu vào hoạt động, nên việc nắm bắt, quản lý, điều hành DN theo mục tiêu đã định của Nhà nước là không thể thường xuyên, liên tục, hiệu quả như đối với DNNN nắm giữ từ 51% -100% vốn Điều lệ.
Theo quy định hiện hành, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN là người do cơ quan đại diện chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ phần vốn Nhà nước đầu tư tại DN để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông Nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại DN theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để tham gia đóng góp ý kiến cho chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển trung dài hạn; tham gia vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm của DN của các người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN này cũng không dễ dàng, bởi tiếng nói với quyền biểu quyết là thiểu số (đặc biệt với những DN mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ phần vốn Nhà nước thấp ở mức dưới 20%), nên không phải là các ý kiến quyết định, đôi khi chỉ có ý nghĩa tham khảo và không được thông qua.
Trước thực trạng đó đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước đối với các DN mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống phải được cải thiện, đặc biệt cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cho phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể, với thông lệ và đặc biệt là trước pháp luật. Cần phải đổi mới cơ chế quản lý người đại diện; đánh giá lại mục tiêu hoạt động và cơ chế đầu tư hiện đang là nút thắt lớn đối với sự phát triển của các đơn vị này.
Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán các DNNN nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống
Địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định tại Điều 118 Hiến pháp nước cộng hòa XHCN Việt Nam: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Theo đó, để thực hiện yêu cầu kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công quốc gia, phạm vi hoạt động của KTNN là rất rộng. Xét trên quan điểm, ở đâu có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công - ở đó phải được cơ quan KTNN kiểm toán thì đối tượng kiểm toán của KTNN chính là hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Thể chế hóa, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật KTNN được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 24/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 quy định đơn vị được kiểm toán tại Điều 55, trong đó cụ thể đối với lĩnh vực DN là “Đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp”. Như vậy, về mặt pháp lý, các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống là đơn vị được kiểm toán, cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các DN này là đối tượng kiểm toán của KTNN.
Theo Ông Lê Minh Nam, thời gian qua, KTNN đã khẳng định được vai trò quan trọng trong đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Cụ thể là: Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho các cơ quan thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý, điều hành, giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các DN có vốn Nhà nước; Phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN và việc tuân thủ quy định của Nhà nước để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật; Chỉ ra các sai phạm đối với việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác tài chính - kế toán, chấn chỉnh hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh và có biện pháp khắc phục tồn tại; Kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đối với những bất cập về cơ chế quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; Kiến nghị điều chỉnh tăng giảm tỷ lệ đầu tư vốn hoặc thoái vốn khỏi DN (nếu có).
Theo Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại một số các DNNN không giữ quyền chi phối (từ dưới 50% vốn) nhưng có giá trị tuyệt đối đầu tư vốn khá lớn, thậm chí có đơn vị Nhà nước không nắm giữ vốn nhưng thực hiện dịch vụ có sử dụng nguồn NSNN. Kết quả kiểm toán thu được từ những cuộc kiểm toán này cho thấy, KTNN không chỉ đơn thuần kiến nghị các DN tăng nộp các khoản thuế và nghĩa vụ tài chính còn ẩn lậu cho NSNN mà còn kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết những tồn tại liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý tài chính; kiến nghị giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Quan trọng hơn, KTNN đã kiến nghị các đơn vị được kiểm toán thay đổi phương thức quản lý DN phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành; tư vấn cách thức quản trị DN nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, tăng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của DN trong đó có lợi ích của Nhà nước.
Có thể nhận thấy kết quả kiểm toán từ các đơn vị Nhà nước không nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở xuống cũng rất lớn, có giá trị cao trong việc đạt mục tiêu kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở xác định căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm toán; từ thực trạng đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vào các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; từ quy định về kiểm toán nhà nước với đối tượng này cho thấy, KTNN cần xác định cụ thể mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán nhằm làm tốt vai trò kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần làm lành mạnh nền tài chính công quốc gia. Theo đó, triển khai kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống KTNN cần tập trung vào những mục tiêu cơ bản sau:
Đánh giá tính trung thực, hợp lý về thông tin phần vốn nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Đánh giá tính tuân thủ pháp luật nhà nước, các cơ chế chính sách và quy định của DN đối với việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
Từ mục tiêu nêu trên, KTNN cần xác định những nội dung kiểm toán cơ bản đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống cho tương ứng.
Theo đó, kiểm toán phần vốn Nhà nước tại DN gồm: Việc quản lý, sử dụng phần vốn Nhà nước tại DN; việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ có liên quan đến vốn Nhà nước tại DN.
Kiểm toán việc tuân thủ pháp luật trong quản lý, sử dụng phần vốn Nhà nước tại DN: Việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ tài chính - kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; việc thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước, thu hồi vốn Nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ DN được Nhà nước đầu tư vốn; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng phần vốn Nhà nước tại DN: Kết quả sử dụng vốn Nhà nước tại DN, việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại DN; hiệu quả của việc đầu tư vốn Nhà nước vào DN.
Kiểm toán việc thực hiện quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện phần vốn Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn Nhà nước tại DN: Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN; việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.
Trên cơ sở xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán, KTNN lựa chọn, xác định tiêu chí kiểm toán, phương pháp kiểm toán theo hướng dẫn chuyên môn tại Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, các Hướng dẫn kiểm toán cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng cuộc kiểm toán…
Các ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ rất đa dạng, quy mô lớn và có xu hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, nên đòi hỏi Kiểm toán viên phải được đào tạo, cập nhật kiến thức để am hiểu các lĩnh vực mới. Cần khẩn trương ban hành quy trình hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ để các Đoàn kiểm toán không bị lúng túng trong xác định phạm vi, giới hạn, nội dung kiểm toán./.
Hà Linh