Đoàn giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình

(sav.gov.vn) - Ngày 21/7/2022, Đoàn giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021.

Dự buổi làm việc có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Uỷ viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà; các đồng chí thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Ninh Bình. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội.

Giai đoạn 2016 – 2021, công tác THTK, CLP đã được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Việc ban hành chương trình THTK,CLP được triển khai chủ động, kịp thời. Việc xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực. Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước được chú trọng, đã quản lý chặt chẽ nguồn thu, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn này đều vượt dự toán; chi NSNN bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tỷ lệ nợ đọng thấp. Việc lập, thẩm định kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2025 và việc triển khai thực hiện Luật THTK,CLP, Luật quản lý sử dụng tài sản công bảo đảm đúng quy định. Việc sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, Ninh Bình thực hiện cắt giảm 177 biên chế công chức. Đối với tổ chức hành chính từ cấp huyện trở lên: Tăng 1 Sở, giảm 30 Phòng, giảm 99 tổ chức sự nghiệp và 2 đơn vị hành chính cấp xã. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước... được tăng cường. Những kết quả đạt được trong THTK,CLP đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.
 
Trên cơ sở thực tiễn triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP và để việc thực hiện công tác này hiệu quả hơn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Ninh Bình đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương: Sớm ban hành Luật Thanh tra sửa đổi cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công; sớm ban hành quy định khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng thuộc Chi cục cấp Sở và cấp huyện; tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, biên chế trong các cơ quan Nhà nước, về quản lý, sử dụng ngân sách, vốn, tài nguyên – khoáng sản, môi trường và tài sản Nhà nước...

Với tinh thần thẳng thắn, tại buổi làm việc các thành viên trong Đoàn giám sát đã trao đổi làm rõ một số vấn đề về các nội dung trọng tâm trong THTK,CLP ở lĩnh vực công như: Việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý tài sản Nhà nước; việc khai thác tài nguyên khoáng sản; việc sắp xếp, tinh giản biên chế và đánh giá hiệu quả; việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của đơn vị kiểm toán; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của tỉnh, xử lý vi phạm theo quy định của Luật THTK,CLP; quản lý sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; những kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách. Lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh cũng trao đổi làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo trong thời gian sớm nhất để gửi Đoàn giám sát. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc làm rõ thêm các vấn đề thành viên trong Đoàn giám sát quan tâm, trao đổi. Trong đó nhấn mạnh chủ trương, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện các quy định của pháp luật về THTK,CLP; sử dụng nguồn lực của địa phương. Đồng thời, thông tin nhanh với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 30 năm tái lập, nhất là định hướng, chiến lược thu hút đầu tư có tính chọn lọc, hướng đến những dự án công nghệ xanh, sạch, thân thiện, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực cho các dự án có trọng tâm, trọng điểm, tạo dư địa phát triển cho tỉnh Ninh Bình./.

Hà Linh