Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, đại diện Kiểm toán nhà nước (KTNN) tham dự.
Phía tỉnh Lâm Đồng có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp; Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo thành phố Đà Lạt.
Báo cáo tóm tắt, giải trình một số nội dung thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các Đề án cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8,0 - 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 70 - 73 triệu đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8,0 - 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 71 triệu đồng.
Tỉnh đã tập trung quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tổng thu NSNN bình quân năm tăng từ 10 - 12%; trong đó, thu thuế, phí bình quân năm tăng từ 12 - 14%; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; thực hiện nghiêm dự toán NSNN được Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn; kiểm soát tốt bội chi ngân sách hằng năm của tỉnh theo tỷ lệ được Quốc hội phê chuẩn; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ. Bộ máy tổ chức tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, góp phần giảm chi phí cho NSNN.
Công tác quản lý chi ngân sách địa phương trong giai đoạn 2016-2021 cơ bản đảm bảo được các khoản chi theo dự toán được giao; các cấp, các ngành và đơn vị đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN. Không bố trí kinh phí ngoài dự toán, ngoại trừ các khoản chi cấp bách được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện đấu thầu các công trình dự án theo quy định…
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 và cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn được lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các đơn vị, địa phương quan tâm chú trọng, chỉ đạo quyết liệt.
Đoàn Giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế nhất định trong công tác THTK, CLP của tỉnh về công tác lập dự toán thu NSNN, tình trạng nợ đọng thuế hàng năm luôn ở mức cao; chưa xác định lại đơn giá thuê đất kịp thời; tình trạng kê khai thiếu thuế, thất thu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến tại các đơn vị được kiểm toán, thanh tra, kiểm tra…. Đồng thời đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về THTK, CLP.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng và cá nhân người đứng đầu các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, gương mẫu đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác THTK, CLP.
UBND tỉnh cần tiếp tục giải quyết kịp thời và dứt điểm những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đặc biệt là việc xử lý đất đai, tài sản đối với các biệt thự; xử nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên. Thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và KTNN trong thời gian qua….
Đoàn giám sát cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy tính phản biện, thẳng thắn với tinh thần xây dựng trong hoạt động giám sát, tiếp tục đôn đốc, giám sát và phối hợp với UBND tỉnh để chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của địa phương về công tác THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021 của Lâm Đồng, cũng như tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn nhận rõ khuyết điểm, hạn chế của Chủ tịch UBND tỉnh.
Chia sẻ với những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, về thể chế, sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, văn bản dưới Luật…, Trưởng đoàn giám sát đề nghị tỉnh quan tâm đề xuất thêm về cải cách hành chính, một cửa liên thông, ban hành tiêu chuẩn định mức từ Trung ương; cần làm rõ tình trạng chấp hành kỷ luật kỷ cương trong nộp NSNN của tỉnh; việc tạm giao đất ngoài diện tích ở còn kéo dài, lãng phí, cần cơ chế tháo gỡ ra sao; việc chuyển đổi 03 loại đất rừng sang mục đích khác đã rõ chưa, cần đề xuất gì trong thực thi.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu kiện liên quan đất đai; quan tâm đến tiềm năng lợi thế của Đà Lạt với hạ tầng giao thông hiện đại hơn, phù hợp xu hướng thế giới; nhân rộng cách làm hay, sáng tạo của địa phương, trách nhiệm của người đừng đầu…/.
M. Thúy