Quyết tâm giải ngân số vốn đã được phân bổ cho 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia trong năm 2022
(sav.gov.vn) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các Bộ, cơ quan và địa phương để thực hiện 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) gồm: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Được biết, tổng số vốn đã giao đạt hơn 92.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, chiếm 92% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 trên 34.000 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022.
Báo cáo từ các địa phương cho thấy đến hết ngày 26/7/2022, đã có 33/52 địa phương đã trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách Trung ương, trong đó có 22 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; 7/52 địa phương đang trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 12/52 địa phương còn lại đang trong quá trình xây dựng nghị quyết trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Theo Bộ KH&ĐT, 6 tháng đầu năm 2022, các Bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các Chương trình MTQG. Hiện đã ban hành 68 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG. Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan đang hoàn thiện thủ tục để ban hành 30 nhiệm vụ còn lại.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG theo thẩm quyền còn chậm và chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022.
Tại Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình MTQG 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 vừa được tổ chức vào ngày 29/7/2022 tại Hà Nội và các điểm cầu tại các địa phương, có 33 kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình, cụ thể: Tiến độ ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn chậm; tiến độ, phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương chậm; tháo gỡ khó khăn bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện một số Tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững về cải thiện dinh dưỡng, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; tiếp tục bổ sung vốn điều lệ, vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và vốn thực hiện các Chương trình tín dụng chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đề nghị bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; thẩm quyền ban hành một số định mức sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; vướng mắc của Ủy ban Dân tộc trong xác định địa bàn có đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù sinh sống để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng…
Lãnh đạo các địa phương đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các văn bản hướng dẫn, việc phân bổ vốn, quy trình giám sát, hệ thống thông tin quản lý, nghiên cứu mở rộng việc xây dựng công trình mang tính cấp thiết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn trong quy trình triển khai một số dự án, tiểu dự án cụ thể…
Với tính cấp thiết về tiến độ, thời gian thực hiện để giải ngân nguồn vốn lớn trong năm 2022, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn và các văn bản liên quan, bảo đảm hệ thống pháp lý, tính liên thông, hướng dẫn đầy đủ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương đặc biệt quan tâm, tập trung mọi nguồn lực, giải ngân nguồn vốn năm 2022 đúng tiến độ.
Theo Phó Thủ tướng, hiện còn 30 văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành đang chờ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình, cần quyết liệt đẩy nhanh; bên cạnh đó UBND các tỉnh, thành nhanh chóng hoàn tất để trình HĐND sớm phê duyệt các Nghị quyết liên quan đến việc thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có nghị quyết phân bổ vốn cho các chương trình MTQG do hiện vẫn còn trên 10 địa phương chưa phê duyệt Nghị quyết này.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đến ngày 15/8/2022, các Bộ, ngành phải hoàn tất việc ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại để các địa phương có căn cứ triển khai giải ngân trên 34.000 tỷ đồng của 3 chương trình MTQG trong năm 2022. Các địa phương phải đặt quyết tâm giải ngân hết số vốn đã được phân bổ cho các Chương trình trong năm 2022, không để kéo dài nhiệm vụ giải ngân sang năm 2023.
Đối với những kiến nghị cụ thể của các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ. “Các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, với tinh thần quyết tâm cao để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG đạt hiệu quả cao nhất” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh./.