Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(sav.gov.vn) - Sáng 2/8/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Đoàn giám sát...
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) và Chương trình THTK, CLP của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình hành động THTK, CLP của cả giai đoạn và hàng năm, bảo đảm bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý các lĩnh vực của Bộ. Thời gian ban hành các Chương trình THTK, CLP đã dần đi vào nền nếp và được rút ngắn thời gian. Trong các Chương trình THTK, CLP đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc ban hành kế hoạch thực hiện, quán triệt và thực hiện nghiêm Luật THTK, CLP, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công…
Cụ thể, trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nêu rõ, công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, bao gồm cả kế hoạch đầu tư công, Chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm thực hiện theo đúng quy định. Trong giai đoạn 2016-2021, công tác quản lý tiết kiệm được 2.547 tỷ đồng, trong đó, Bộ đã đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ để lại, tăng thu cho NSNN nước 1.909 tỷ đồng; nộp bổ sung NSNN từ các nguồn phí được để lại 247 tỷ đồng; thực hiện tiết kiệm chi để phòng, chống dịch Covid-19 là 136 tỷ đồng, tiết kiệm trong quá trình thẩm định và thực hiện dự toán 241 tỷ đồng… Thực hiện rà soát, lồng ghép các nhiệm vụ, cắt giảm các nhiệm vụ không còn cấp bách; không thực sự cần thiết...
Giai đoạn 2016-2021, Bộ đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ đạo về tiết kiệm của Quốc hội, Chính phủ; công tác THTK, CLP đã được thực hiện nghiêm túc; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của nhà nước.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng thừa nhận, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong THTK, CLP, đó là: công tác quản lý tài chính, khi triển khai tại một số đơn vị đôi khi còn thiếu chặt chẽ về trình tự, thủ tục và thời gian điều chỉnh dự toán… Các bất cập này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ ra và đã được xử lý khắc phục. Tiến độ giải ngân đầu tư công một số dự án còn chậm, một số dự án còn bị kéo dài tiến độ thực hiện. Công tác quản lý tài nguyên viễn thông mặc dù đã được tăng cường, đi vào nề nếp, bảo đảm hiệu quả sử dụng, nhưng một số giải pháp thực thi nâng cao hiệu quả sử dụng còn bị chậm triển khai. Ví dụ, việc cấp phép thông qua đấu giá băng tần thông tin di động (băng tần có giá trị thương mại cao) còn bị chậm do phải sửa Nghị định cho phù hợp với các Nghị định mới được nhà nước ban hành. Việc đấu giá kho số viễn thông và tên miền Internet chậm được triển khai do phải điều chỉnh các quy định liên quan tới đấu giá...
Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản tán thành với Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời đề nghị, Bộ đánh giá, làm rõ hơn thực trạng sử dụng nguồn lực gắn với hiệu quả sử dụng của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; công tác quản lý quảng cáo trực tuyến, bởi đây là lĩnh vực có thất thoát lãng phí lớn khi nguồn thu quảng cáo của Google, Facebook, Youtube rất lớn, nhưng thu thuế tại nước ta còn thấp.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra, việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành có lúc chưa kịp thời. Một số văn bản của Bộ chưa đồng bộ với các văn bản chuyên ngành khác. Ban hành văn bản quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin có lúc còn chậm, thời gian xây dựng định mức kéo dài, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật, công nghệ; một số định mức kinh tế - kỹ thuật còn thiếu; một số tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Việc ban hành tiêu chuẩn, định mức, đơn giá trong công tác đặt hàng báo chí, xuất bảo có những nội dung còn chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, khó áp dụng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo theo hướng: Bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo ý kiến của Đoàn giám sát, phản ánh rõ kinh nghiệm, cách làm hay, nhất là liên quan đến kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Lượng hóa tối đa kết quả THTK, CLP, chuẩn hóa số liệu đưa vào Báo cáo. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, những vấn đề thực tiễn đã chứng minh là đúng, nhưng còn vướng mắc trong Nghị định, Thông tư, Bộ cần chủ động sửa ngay trong quá trình giám sát, chứ không đợi đến khi kết thúc giám sát./.