Qua làm việc với các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT nhận diện có phân thành 03 nhóm chính khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cụ thể: Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, khó khăn chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên-môi trường; lĩnh vực ngân sách nhà nước và công sản; xây dựng; lĩnh vực đấu thầu; lĩnh vực đầu tư công. Thứ hai liên quan đến đến tổ chức triển khai thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện. Chất lượng chuẩn bị dự án thấp, công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt. Các cấp, các ngành và người đứng đầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai. Thứ ba là nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, do đây là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm các Bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường thường cần từ 6 đến 8 tháng hoàn tất thủ tục nên tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn khác là giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng…
Bộ KH&ĐT cho biết, để chủ động chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết, trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, 03 công điện, 07 văn bản; tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là công việc trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.
Bộ KH&ĐT nhận định, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 do Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Cùng với đó là chỉ đạo đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; chủ động rà soát điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương không có khả năng giải ngân trong năm 2022.