Đề tài do Ths. Đoàn Huy Vinh và Ths. Nguyễn Tiến Phước – KTNN khu vực VIII đồng chủ nhiệm.
Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, Ban Đề tài cho biết, Bí mật nhà nước (BMNN) được coi là “tài sản” đặc biệt thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước quản lý, nắm giữ, bảo vệ và khai thác hoặc chuyển giao để phục vụ cho hoạt động đối nội, đối ngoại của đất nước, có liên quan trực tiếp đến sự ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, phải có biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các BMNN, không để lộ, mất BMNN, đặc biệt trong thời điểm thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Với vị thế là “Cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, KTNN có sự kết nối và trao đổi thông tin thường xuyên với tất cả các cơ quan, tổ chức, trong đó bao gồm các cơ quan Đảng, cơ quan thuộc khối an ninh, quốc phòng… Vì vậy, hoạt động kiểm toán nhà nước chứa đựng các thông tin thuộc BMNN ở cả 3 cấp độ Mật, Tối mật, Tuyệt mật, đồng thời luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin.
Nhận thức được điều đó, trong thời gian qua công tác bảo vệ BMNN đối với hoạt động của KTNN luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng CMCN 4.0 đã làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện kiểm toán và mang đến nhiều thách thức đối với KTNN trong việc bảo vệ BMNN trên môi trường mạng.
Với việc nghiên cứu đề tài: “Giải pháp tăng cường bảo vệ bí mật Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0”, Ban Đề tài đã luận giải cơ sở lý luận về tăng cường bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0; đánh giá thực trạng công tác bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của KTNN, đồng thời tổng kết kinh nghiệm nước ngoài về bảo vệ BMNN trong hoạt động kiểm toán của các cơ quan Kiểm toán tối cao. Từ đó, đề xuất Quy chế bảo vệ BMNN của KTNN và các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm tăng cường bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của KTNN trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0; Chương 2 - Thực trạng công tác bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Chương 3 - Quan điểm và giải pháp tăng cường bảo vệ BMNN đối với hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.