Những định hướng lớn trong kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với nhiều hoạt động được triển khai thực hiện đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19. Xác định vai trò quan trọng của các chính sách hỗ trợ, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ đưa các nội dung này vào kế hoạch kiểm toán để đánh giá quá trình triển khai, cũng như kịp thời có ý kiến nhằm giúp tháo gỡ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Những định hướng nội dung kiểm toán quan trọng

Cùng với nhiệm vụ kiểm toán theo kế hoạch, các đơn vị đang tích cực triển khai nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin để xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2023. Theo lãnh đạo KTNN, mục tiêu khi xây dựng KHKT năm 2023 được xác định là: Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, gia tăng giá trị báo cáo kiểm toán; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đề cập thêm về định hướng xây dựng KHKT, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cho biết, KHKT năm 2023 sẽ tiếp tục bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Trong đó, việc triển khai kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ bao trùm các nội dung kiểm toán đối với lĩnh vực kiểm toán ngân sách; kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (việc triển khai, thực hiện cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công); kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng.

Với định hướng này, KTNN sẽ tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, bao gồm việc thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình, hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo nhà chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội…; việc cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đáng chú ý, việc triển khai kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 được xác định là một trong những nhiệm vụ kiểm toán thực hiện hằng năm, bên cạnh các nội dung kiểm toán theo luật định. Cụ thể, theo định hướng, KTNN sẽ tổ chức kiểm toán thường xuyên năm 2023-2024 đối với các nhiệm vụ thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 được giao tại Chương trình hành động số 17/Ctr-BCSD ngày 11/02/2022.

Nêu cao tính chủ động, trách nhiệm của từng đơn vị

 Trên cơ xác định những định hướng trọng tâm liên quan đến nhiệm vụ kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, lãnh đạo KTNN yêu cầu các đơn vị kiểm toán trong chức năng, quyền hạn được giao tập trung ngay vào công tác thu thập thông tin, chuẩn bị KHKT một cách chu đáo, trước hết là bảo đảm các cuộc kiểm toán được đề xuất có tính khả thi cao; có tính dự báo cũng như bám sát định hướng được lãnh đạo KTNN đề ra.

Dẫn chứng cụ thể về các yêu cầu này, đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết, đối với các nội dung có liên quan đến hoạt động đầu tư, KTNN chuyên ngành IV có trách nhiệm chủ trì xây dựng đề cương kiểm toán để các đơn vị trong Ngành thực hiện. Trong khi đó, KTNN chuyên ngành III chủ trì thu thập thông tin để đề xuất nội dung, phương án tổ chức kiểm toán đối với các nội dung, như: Nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh… Bên cạnh đó, một số nội dung kiểm toán quan trọng khác sẽ được thực hiện thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán ngân sách như: Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Cũng theo định hướng xây dựng KHKT liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được lãnh đạo KTNN đặt ra, các nội dung chi ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số… sẽ được thực hiện khi kiểm toán ngân sách; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư các dự án. Trong đó, KTNN chuyên ngành II có trách nhiệm khảo sát thông tin, đề xuất phương án tổ chức kiểm toán phù hợp với đối tượng phân giao của đơn vị và phù hợp với hình thức triển khai thực hiện dự án.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm của KTNN, đại diện lãnh đạo các đơn vị kiểm toán cho biết, việc tổ chức thu thập thông tin, lập KHKT song song với quá trình kiểm toán là nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm của KTNN. Điểm đáng lưu ý, đó là những yêu cầu đặt ra với việc thu thập thông tin, lập KHKT ngày càng cao, nhằm đáp ứng tốt hơn mong đợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng sẽ tạo áp lực cho đơn vị kiểm toán và mỗi kiểm toán viên. Đây là yêu cầu và cũng là động lực buộc mỗi đơn vị, kiểm toán viên phải nỗ lực hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa thông qua việc nâng cao năng lực, trình độ và sắp xếp công việc một cách khoa học để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.

NGUYỄN LỘC
(Báo Kiểm toán số 3`/2022)