Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý dự án đầu tư

Trong bối cảnh nhiệm vụ kiểm toán mà Đảng, Nhà nước đặt ra với Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng nặng nề, việc đổi mới hoạt động kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung, kiểm toán lĩnh vực dự án đầu tư xây dựng nói riêng là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Chú trọng đào tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ vào kiểm toán
 
Kể từ khi thành lập đến nay, KTNN đã có những đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Quốc hội “xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia”. Đầu tư xây dựng cũng là một trong những lĩnh vực được KTNN quan tâm kiểm toán thường xuyên. Kết quả hoạt động kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng của KTNN đã góp phần tích cực trong việc giúp Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư xây dựng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với những yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với công tác kiểm toán, trong đó có kiểm toán quản lý dự án đầu tư xây dựng, đòi hỏi KTNN cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
 
Theo KTNN chuyên ngành IV, thời gian qua, đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm toán nhiều dự án đầu tư xây dựng và hiện đang triển khai kiểm toán dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam - một dự án trọng điểm cấp quốc gia, dự kiến sẽ được kiểm toán trong nhiều năm. Do đó, việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, bên cạnh việc kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, KTNN cần tăng cường đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan KTNN... Trong đó, đối với giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, KTNN cần tiếp tục xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, đưa thêm nội dung kiểm toán thực hành vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên; tiếp tục kế hoạch đào tạo nâng cao nhằm xây dựng đội ngũ kiểm toán viên, chuyên gia trong lĩnh vực này.
 
Đặc biệt, xác định yếu tố công nghệ thông tin đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với hoạt động kiểm toán việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, khi nhiều dự án có xu hướng sử dụng công nghệ mới, KTNN cần tiếp tục tăng cường áp dụng những phương pháp kiểm toán mới, sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong hoạt động kiểm toán. Tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về đối tượng kiểm toán; chú trọng xây dựng và đưa vào khai thác các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động kiểm toán đầu tư xây dựng. “Thời gian qua, KTNN đã từng bước ứng dụng công nghệ mới vào kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi kiểm toán viên cần không ngừng cập nhật, nỗ lực hơn nữa để thích ứng với tình hình mới” - lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV cho biết.
 
Đổi mới công tác tổ chức và hoạt động kiểm toán
 
Trong số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhóm giải pháp liên quan đến hoạt động kiểm toán đóng vai trò quyết định trực tiếp đến cuộc kiểm toán. Đây cũng chính là vấn đề được các chuyên gia, cơ sở đào tạo kiểm toán quan tâm và đưa ra nhiều khuyến nghị đối với KTNN.
 
Qua thực tiễn kiểm toán, các kiểm toán viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho rằng, đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình kiểm toán ngoài việc kiểm tra tính tuân thủ, tình hình chấp hành về trình tự, thủ tục và tính hợp lý, hợp pháp đối với hồ sơ, tài liệu của dự án, đoàn kiểm toán cần tăng cường đánh giá sâu về khả năng thu hồi vốn, hiệu quả kinh tế của dự án và những tác động về môi trường, tác động xã hội của dự án. Đối với giai đoạn thực hiện đầu tư, đoàn kiểm toán cần tập trung đánh giá chuyên sâu một số nội dung như: Tính khoa học, hợp lý của các giải pháp thiết kế, hồ sơ mời thầu; kiểm tra đến tận cùng về nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ thi công để kiến nghị xử lý phù hợp... Đối với giai đoạn kết thúc đầu tư, cần chú trọng kiểm toán đối với các khoản chi phí đầu tư không hình thành tài sản; kiểm tra, đánh giá đối với quá trình khai thác, sử dụng công trình sau khi kết thúc đầu tư…
 
Còn theo TS. Đặng Thị Hoàng Liên (Trưởng phòng, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán), từ thực tiễn công tác kiểm soát cho thấy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, các đoàn, tổ kiểm toán cần tiếp tục duy trì nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tiến độ và kết quả kiểm toán theo từng cấp; tăng cường công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm đối với từng thành viên trong đoàn kiểm toán, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó nghiêm túc khắc phục tồn tại để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.
 
Lưu ý kế hoạch kiểm toán cần tập trung vào những lĩnh vực có rủi ro cao, TS. Cao Hồng Loan (Trường Đại học Thương mại) cho biết, kinh nghiệm của nhiều cơ quan kiểm toán tối cao cho thấy, đối tượng kiểm toán được đưa vào chương trình xếp theo các mức độ rủi ro để xác định tính ưu tiên, từ khi lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch kiểm toán đến khi thực hiện kiểm toán. Đây là cách làm đang được cơ quan kiểm toán Liên bang Đức áp dụng và thực tế đã phát huy hiệu quả, khi những lĩnh vực có rủi ro cao, cũng là các dự án đã phát hiện ra nhiều sai phạm hơn cả.

Theo PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay, KTNN chủ yếu là thực hiện hậu kiểm, dẫn đến tại thời điểm kiểm toán hầu hết các hạng mục chìm khuất đã được hoàn thành và bị phủ lấp. Việc kiểm toán chủ yếu dựa trên hồ sơ tài liệu hoàn công do đơn vị cung cấp nên rất khó phát hiện tồn tại bất cập về chi phí, chất lượng công trình. Do đó, KTNN cần coi trọng đúng mức loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng vốn trong đầu tư; cũng như có sự tham gia ngay từ đầu, nhất là với các dự án trọng điểm quốc gia./.
 
Box: Tại nhiều quốc gia, cơ quan kiểm toán lựa chọn thời điểm kiểm toán ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Điều này giúp cơ quan kiểm toán có thể xem xét từ sớm, giúp đưa ra những khuyến nghị, tư vấn cần thiết, giúp giảm bớt rủi ro trong quá trình đầu tư; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
 
 
PHỐ HIẾN
(Báo Kiểm toán số 31/2022)