Định hướng các chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán
Theo Vụ Tổng hợp, cùng với những định hướng về nội dung, lĩnh vực kiểm toán trong KHKT năm 2023 và KHKT trung hạn 2023-2025, KTNN đặt mục tiêu kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách hằng năm của các Bộ, cơ quan trung ương đạt tối thiểu 70% trong năm 2023 (tương ứng 29 Bộ, cơ quan trung ương), 80% trong năm 2024, 2025 (tương ứng 33 Bộ, ngành); số cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương hằng năm đạt tỷ lệ tối thiểu 80%.
Nêu cụ thể về định hướng các chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán, lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết, KTNN sẽ căn cứ trước hết vào các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết quan trọng khác, trong đó có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của KTNN. Trên cơ sở KHKT trung hạn 2022-2024 và định hướng xây dựng KHKT năm 2023, các đơn vị xây dựng KHKT trung hạn 2023-2025 lựa chọn các chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán phù hợp. Trong đó, KTNN sẽ tổ chức các cuộc kiểm toán có quy mô toàn Ngành hoặc có nhiều đơn vị tham gia. Định hướng cũng đưa ra một số gợi ý cụ thể, như, KTNN chuyên ngành II, III có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất kiểm toán tối thiểu 2 chủ đề/năm liên quan đến công tác quản lý nhà nước, các chương trình, chính sách do các Bộ, ngành trung ương chủ trì, chủ quản. KTNN chuyên ngành IV, V, VII nghiên cứu đề xuất kiểm toán các chuyên đề phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị…
Một số cuộc kiểm toán thường xuyên hoặc định kỳ cần xác định trong KHKT trung hạn 2023-2025, như: Các nhiệm vụ thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao tại Chương trình hành động số 17/CTr-BCSĐ của Ban cán sự đảng KTNN ngày 11/02/2022 về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội; tổ chức kiểm toán thường xuyên đối với việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đồng thời, tổ chức kiểm toán thường xuyên đối với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội; kiểm toán chi phí việc quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024 theo Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024; kiểm toán định kỳ 3 năm/lần đối với Bảo hiểm xã hội.
Điều chỉnh tăng số cuộc các lĩnh vực kiểm toán mới
Theo định hướng kiểm toán trung hạn, KTNN sẽ có sự điều chỉnh cơ cấu các cuộc kiểm toán, trong đó tăng cường kiểm toán đối với các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới như: kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường…
Đánh giá về sự điều chỉnh này, các đơn vị kiểm toán cho biết, đây là định hướng đã được KTNN đặt ra từ lâu và từng bước được cụ thể hóa trong các văn bản của Ngành. Đặc biệt, trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) đã xác định cụ thể các mục tiêu này, bao gồm: “Từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% trở lên số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm”. Do đó, trong quá trình xây dựng KHKT, các đơn vị đã chủ động đề xuất nội dung kiểm toán phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN.
Đề cập đến việc xây dựng KHKT, lãnh đạo KTNN khu vực XI cho biết, đến nay, đơn vị đã hoàn tất việc khảo sát, thu thập thông tin và gửi nội dung đề xuất kiểm toán về Vụ Tổng hợp để phục vụ cho việc lập KHKT năm 2023 và trung hạn 2023-2025 của Ngành. “Các nội dung được đề xuất đã cơ bản bám sát định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, trong đó trọng tâm là các nội dung kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương tại các địa bàn đơn vị được giao kiểm toán” - lãnh đạo đơn vị cho biết.
Theo KTNN chuyên ngành II, trong kết quả kiểm toán của KTNN thời gian qua có đóng góp quan trọng của kiểm toán chuyên đề với nhiều cuộc kiểm toán quy mô lớn, phạm vi kiểm toán rộng, sử dụng nhiều nguồn lực của Nhà nước, có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả này là minh chứng cho thấy hiệu quả của kiểm toán chuyên đề - với những ưu thế riêng, cũng như khẳng định quyết tâm của KTNN trong việc chú trọng các nội dung, loại hình kiểm toán mới, khó, song cần thiết để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán.
Từ góc nhìn của chuyên gia kiểm toán có những hiểu biết nhất định về KTNN, PGS,TS. Đinh Thế Hùng (Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, trong những năm qua, KTNN đã có những bước tiến quan trọng nhằm nâng cao vai trò của mình trong nền kinh tế, cũng như để thích ứng với những thay đổi của thời đại. Việc tăng cường các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới theo định hướng của KTNN là rất đúng đắn và theo xu thế của kiểm toán quốc tế. Vấn đề đặt ra là cần chú trọng nâng cao năng lực kiểm toán, thể hiện rõ các ưu thế của từng lĩnh vực, loại hình kiểm toán mới. Đơn cử, đối với kiểm toán hoạt động, KTNN cần tập trung vào việc đánh giá về tính kinh tế, tính hợp lý, tính tiết kiệm và về hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. “Quy mô hoạt động của Nhà nước rất rộng lớn, vì vậy, phải tùy theo cách xem xét và đánh giá, KTNN tiến hành việc chọn mẫu cho phù hợp, đảm bảo kết luận đưa ra là dựa trên phạm vi kiểm toán đủ rộng” - PGS,TS. Đinh Thế Hùng lưu ý.
Nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán thuộc nội dung, lĩnh vực mới, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với KTNN, đây là những nội dung kiểm toán còn mới, trong khi các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn đang tiếp tục được cập nhật; nguồn lực của KTNN có hạn. Do đó, KTNN cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, từ việc hoàn thiện các quy trình, mẫu biểu, đến nâng cao năng lực kiểm toán viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương kiểm toán, áp dụng các phương pháp tiếp cận kiểm toán tiên tiến, hiệu quả… Bên cạnh đó, các vấn đề được lựa chọn kiểm toán phải bám sát định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo KTNN; khai thác những vấn đề có tính thời sự, được xã hội đặc biệt quan tâm, phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ./.
Theo định hướng xây dựng KHKT trung hạn 2023-2025, số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin sẽ được điều chỉnh tăng dần qua các năm, đạt khoảng 24% tổng số cuộc kiểm toán năm 2023, 27% năm 2024 và 30% vào năm 2025. |
Nguyễn Lộc
(Báo Kiểm toán số 32/2022)