Kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương: Cần hoàn thiện phương pháp thu thập bằng chứng

Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán (BCKT). Tuy nhiên, Hướng dẫn mới khái quát, việc phân tích phương pháp thu thập BCKT trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương (NSĐP) còn hạn chế. Chính vì vậy, việc hoàn thiện phương pháp thu thập BCKT tổng hợp chi thường xuyên NSĐP sẽ góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP.    

Bằng chứng kiểm toán - cơ sở để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị
 
Theo ThS. Huỳnh Hữu Thọ - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII, BCKT là tài liệu, thông tin do kiểm toán viên (KTV) nhà nước thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị. BCKT gồm tài liệu, thông tin trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác. Đó là vấn đề “sống còn” đối với mỗi KTV, tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Quá trình kiểm toán, ở bất kỳ lĩnh vực nào, nếu nắm vững khái niệm, bản chất của từng loại bằng chứng, vai trò của BCKT, có phương pháp để thu thập đầy đủ bằng chứng liên quan với độ tin cậy cao, phù hợp với quy định của pháp luật... để nhận định, đánh giá, kết luận và kiến nghị thì các đoàn, tổ, KTV nhà nước sẽ luôn được bảo vệ chặt chẽ.
 
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Đức Luận - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, KTNN - cho biết thêm: KTNN đã có hướng dẫn về BCKT. Tuy nhiên, Hướng dẫn mới khái quát, việc phân tích phương pháp thu thập BCKT trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP còn hạn chế. Chính vì vậy, cần hoàn thiện cả lý luận và thực tiễn về phương pháp thu thập BCKT trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP.
 
ThS. Đỗ Quang Hiệp và CN. Nguyễn Văn Tý - KTNN khu vực VII (Nhóm tác giả) - cho biết, giai đoạn 2019-2020, khi kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP, KTNN khu vực VII cơ bản đã áp dụng kỹ thuật chọn mẫu, phương pháp phân tích, đối chiếu, thống kê, tổng hợp số liệu, phỏng vấn, xác nhận từ bên thứ ba để làm rõ các thông tin đã thu thập, củng cố các bằng chứng để đảm bảo cơ sở cho các ý kiến kiểm toán. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính đầy đủ, đúng đắn, độ tin cậy… cho các bằng chứng, KTV còn dựa trên các căn cứ pháp lý có hiệu lực đúng thời kỳ được kiểm toán, các lập luận được xây dựng chặt chẽ… Do BCKT đảm bảo các yếu tố như vậy, các ý kiến nhận xét, đánh giá, kết luận, kiến nghị hầu hết đều được địa phương thừa nhận, từ đó, các đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán của KTNN. Mặc dù vậy, quá trình thu thập BCKT trong tổ chức thực hiện kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên tại KTNN khu vực VII còn hạn chế, như: KTV chưa nhận thức hết tầm quan trọng của BCKT. Nhiều KTV chưa phối hợp với phương pháp phỏng vấn, trao đổi để làm rõ hơn bản chất của sự việc; hầu như không có bằng chứng nào được thu thập từ bên thứ ba...
 
Nâng cao chất lượng thu thập bằng chứng kiểm toán
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu thập BCKT trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP, Nhóm tác giả cho rằng: Thứ nhất, cần hoàn thiện quy trình kiểm toán; tham khảo mẫu hồ sơ làm việc của KTV ở một số công ty kiểm toán độc lập lớn để hoàn thiện quy trình, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán phù hợp với đặc thù của KTNN.
 
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán bằng việc cụ thể hóa mục tiêu, nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán. Coi trọng công tác tự kiểm soát chất lượng kiểm toán, có cơ chế rõ ràng để gắn trách nhiệm của trưởng đoàn, tổ trưởng, KTV với chất lượng của hoạt động kiểm toán. Đẩy mạnh văn hóa nội bộ về chất lượng hoạt động kiểm toán nhằm khuyến khích tinh thần tự giác nâng cao chất lượng kiểm toán; xây dựng các chính sách và thủ tục đánh giá hiệu quả thực hiện công việc, chế độ đãi ngộ KTV; hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất lượng kiểm toán…
 
Thứ ba, hoàn thiện phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; hoàn thiện kỹ thuật chọn mẫu; lựa chọn đơn vị để kiểm toán và xác định phạm vi kiểm toán.
 
Thứ tư, xây dựng và tăng cường năng lực chuyên môn của KTV thông qua việc tiếp tục cử cán bộ tham gia học tập đầy đủ các chương trình đào tạo của KTNN; tiếp tục tổ chức nghiên cứu khoa học, phối hợp với các tổ chức đào tạo; chú trọng các lớp đào tạo công nghệ thông tin; tổ chức hội thảo trong Ngành theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình kiểm toán, việc sử dụng các kỹ thuật thu thập BCKT, lưu trữ BCKT… trong đó có sự phối hợp với công ty kiểm toán độc lập lớn.
Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho KTV kỹ năng phân tích, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán; kỹ năng thu thập BCKT, đánh giá BCKT; kỹ năng kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin; kỹ năng tổ chức thực hiện công việc, làm việc nhóm; kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thuyết phục, kiềm chế cảm xúc…
 
Thứ năm, nâng cao yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của KTV. Đặc biệt, tăng cường bồi dưỡng và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp KTV theo hướng sử dụng các biện pháp ngăn chặn các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tạo ý thức của KTV về việc giữ gìn, trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng về đạo đức và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Tăng cường kiểm soát đạo đức nghề nghiệp KTV bằng nhiều biện pháp, nhiều công cụ và các cấp độ khác nhau; coi trọng phương pháp kiểm soát đạo đức nghề nghiệp theo hướng kiểm soát mềm bằng chính danh dự, lòng tự trọng của KTV.
 
Thứ sáu, nâng cao điều kiện làm việc của KTV, đầu tư các thiết bị, phương tiện kiểm tra cơ bản đối với công tác kiểm tra hiện trường... Các chế độ công tác phí, chế độ khen thưởng, chế tài xử lý đối với các sai phạm của KTV cần được quy định cụ thể, minh bạch, phù hợp./.
 
Theo Nhóm tác giả, để nâng cao chất lượng thu thập BCKT, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, KTNN khu vực VII cần thường xuyên lưu ý đối với KTV về vấn đề BCKT; thường xuyên tổ chức trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đoàn, tổ kiểm toán rà soát thận trọng các bằng chứng để đánh giá tính đầy đủ, đúng đắn của BCKT sau mỗi đợt kiểm toán; chỉ đạo KTV tự nâng cao năng lực chuyên môn, trong đó có kỹ năng cao trong thu thập BCKT.

 Thùy Anh
(Báo Kiểm toán số 33/2022)